Tạo điều kiện cho ngành gỗ phát triển

TP Hồ Chí Minh là địa phương đứng thứ ba cả nước về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ với kim ngạch khoảng một tỷ USD. Với vị trí là trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước, thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp để quảng bá, khẳng định thương hiệu gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế, làm động lực thúc đẩy ngành chế biến gỗ Việt Nam tiếp tục phát triển.

Trưng bày sản phẩm từ gỗ tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO 2018) do Sở Công thương và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ (HAWA) tổ chức. Ảnh: PHƯƠNG VY
Trưng bày sản phẩm từ gỗ tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO 2018) do Sở Công thương và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ (HAWA) tổ chức. Ảnh: PHƯƠNG VY

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có gần 895 doanh nghiệp (DN), cơ sở, đại lý hoạt động liên quan đến chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ. Trong đó, có 108 DN xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ đạt kim ngạch hơn 1 triệu USD; 306 DN xuất khẩu dưới 10 nghìn USD, số còn lại chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước. Một số thị trường xuất khẩu chủ yếu của các DN chế biến gỗ ở thành phố là Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) Huỳnh Văn Hạnh cho biết: Mặc dù ngành gỗ trong thời gian qua đã gặt hái nhiều thành công, nhưng các DN chế biến gỗ ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung vẫn gặp nhiều hạn chế. Trong chuỗi giá trị sản phẩm bao gồm bốn giá trị: sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu, ngành chỉ mới đạt giá trị sản xuất ở mức trung bình vì năng suất chưa cao, chất lượng chưa ổn định do trình độ tổ chức, công nghệ và kỹ năng lao động hạn chế. Phần lớn các nhà sản xuất sản phẩm gỗ thực hiện theo đơn đặt hàng của thương nhân cho nên ít chú trọng đến thị trường thương mại, từ đó, thụ động và ít phát triển ma-két-tinh, chưa có nhiều hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm. Trên cơ sở này, HAWA đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, như tổ chức các hội chợ chuyên ngành. Trong đó, hội chợ VIFA EXPO tổ chức tại thành phố, hằng năm thu hút hơn 4.000 lượt khách đến Việt Nam từ 80 nền kinh tế trên thế giới. Hội chợ VIFA EXPO trở thành triển lãm đồ gỗ lớn nhất Ðông - Nam Á, là kênh xúc tiến thương mại ít tốn kém và hiệu quả nhất.

Ðể tạo nguồn nguyên liệu bền vững, các DN chế biến gỗ ở TP Hồ Chí Minh đã chủ động đẩy mạnh liên kết giữa DN - người trồng rừng, là nền tảng phát triển bền vững cho ngành chế biến gỗ. Công ty Scansia Pacific, Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân đã chủ động liên kết 564 hộ trồng rừng ở bảy huyện, thị xã ở tỉnh Quảng Trị, đồng thời ký kết bao tiêu nguồn gỗ nguyên liệu với các nhóm hộ trồng rừng. Ðể phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, công ty đã tài trợ các nhóm hộ trồng rừng một phần chi phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững); cam kết cho các hộ dân trồng cây keo có chứng chỉ FSC từ năm thứ sáu trở đi vay nhiều nhất 4 triệu đồng/ha/năm với lãi suất thấp hơn 0,2% so với mức lãi suất trung bình năm của các ngân hàng thương mại trong nước tại thời điểm vay để giúp các hộ kéo dài chu kỳ trồng cây, tạo nguồn gỗ lớn. Công ty cũng cam kết mua gỗ keo có chứng chỉ FSC cao hơn ít nhất từ 15% đến 18% so với giá trị thị trường. Cách làm của Công ty Scansia Pacific cũng được nhiều công ty chế biến gỗ ở thành phố và cả nước lựa chọn. "Ngành gỗ cần sự đồng hành của Nhà nước để đi những bước dài phát triển. DN trong ngành đã sẵn sàng, nếu có sự hỗ trợ thêm về chính sách, chiến lược từ chính quyền địa phương và Nhà nước, tôi tin rằng vị thế ngành gỗ Việt Nam trong tương lai không xa, không chỉ dừng ở thứ hai châu Á, mà sẽ là thứ hai trên thế giới với doanh số xuất khẩu gấp ba lần hiện nay (năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản cả nước đạt 8 tỷ USD)", ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết.

Theo HAWA, định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới được xác định: Coi công nghiệp chế biến và thương mại sản phẩm gỗ là động lực phát triển kinh tế lâm nghiệp, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển rừng, tận dụng các lợi thế về đất đai và nhân lực trong các vùng trồng, tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở chế biến gỗ với người trồng rừng. Trên cơ sở này, ngành đưa ra các mục tiêu cụ thể: Về nguồn cung ứng nguyên liệu, là kết hợp nguồn nguyên liệu gỗ khác nhau để phát triển công nghiệp chế biến. Nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến vẫn bao gồm gỗ nhập khẩu và gỗ khai thác trong nước từ trồng rừng, gỗ rừng tự nhiên được quản lý và sử dụng bền vững, chú trọng sử dụng gỗ các cây công nghiệp theo hướng đa mục tiêu. Ðối với sản phẩm xuất khẩu, ngành tập trung cho các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất và các dịch vụ hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu của người mua từ khắp nơi trên thế giới. Song song đó, tiếp tục xúc tiến thương mại để duy trì các thị trường truyền thống có sức tiêu thụ lớn, như Mỹ, EU, Nhật Bản, đồng thời tìm kiếm thị trường mới có tiềm năng để xuất khẩu đồ gỗ.

Để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: Các DN gỗ cùng với thành phố thực hiện những giải pháp đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, đầu tư chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, mở rộng thị phần xuất khẩu nhưng phải kiên quyết nói không với nguồn gỗ không hợp pháp; khuyến khích các hoạt động tiếp thị, môi giới xuất khẩu, các dịch vụ logistics, kiểm tra thông quan nhanh chóng… Ngoài ra, thành phố cũng giao Sở Công thương và HAWA nghiên cứu khả thi xúc tiến xây dựng trung tâm triển lãm quy mô 60.000 m2 trưng bày tại TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho các DN trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm đồ gỗ tại chỗ; phối hợp Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng trung tâm đào tạo chuyên ngành thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ.