Tạo điều kiện cho công nhân yên tâm lao động, sản xuất

Đầu tư xây dựng trường mầm non (MN) và tổ chức giữ trẻ cho con em công nhân (CN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền thành phố thực hiện, góp phần nâng cao đời sống của CN, lao động.

Phụ huynh là công nhân đón con và vui chơi với trẻ tại Trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7.
Phụ huynh là công nhân đón con và vui chơi với trẻ tại Trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7.

Tuy nhiên, từ nhu cầu thực tế đặt ra, thành phố cần tăng cường đầu tư thêm hệ thống trường lớp và biên chế giáo viên để tạo điều kiện cao nhất cho con em CN có chỗ học tập, CN yên tâm lao động sản xuất.

Sau hơn ba năm đi vào hoạt động, Trường MN Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, quận 7 được xem là trường công có số trẻ là con em CN đang theo học nhiều nhất trên địa bàn thành phố, với 578 trẻ, độ tuổi từ sáu tháng đến sáu tuổi.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, trường có 17 phòng học với 53 cán bộ, công nhân viên diện biên chế (trong đó có 39 giáo viên) đủ đảm đương công tác giữ trẻ MN cho các CN đang làm việc tại KCX Tân Thuận. Mô hình và hoạt động của trường MN này được thực hiện theo Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục khu vực KCN, KCX đến năm 2020” (giai đoạn 2014-2020) của UBND thành phố (Đề án 404). Trong đó, trường tổ chức giữ trẻ từ sáu tháng tuổi đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao của đông đảo CN, lao động nhằm tạo điều kiện cho họ yên tâm lao động sản xuất. Mô hình này cũng được xem là đã tháo gỡ nút thắt về chỗ giữ trẻ MN dưới 18 tháng tuổi tại các trường công lập mà trước đó ngành giáo dục thành phố chưa có điều kiện quan tâm giải quyết.

Tuy nhiên, theo quy định của Đề án là chỉ tổ chức giữ ngoài giờ cho trẻ từ ba tuổi trở lên (từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút các ngày từ thứ hai đến thứ sáu và cả ngày thứ bảy), do đó, nhiều CN có con nhỏ dưới ba tuổi sẽ gặp khó khăn khi phải đón trẻ sớm cũng như không có chỗ gửi trẻ vào ngày cuối tuần. Vội vàng rời nhà xưởng sau giờ tan ca chiều, chị Hằng, CN Công ty TNHH Công nghiệp Tempearl đóng tại KCX Tân Thuận tất tả chạy ngay đến trường để kịp đón con theo giờ quy định. Chị Hằng cho biết: “Con trai tôi hiện 18 tháng tuổi, tôi gửi con vào trường lúc cháu sáu tháng tuổi để đi làm. Thế nhưng, theo quy định của nhà trường, phụ huynh phải đón trẻ dưới ba tuổi trước 16 giờ 30 phút và không nhận giữ ngày thứ bảy, cho nên vợ chồng tôi khá vất vả để bảo đảm giờ giấc đón con cũng như chăm giữ cháu vào ngày cuối tuần”. Cũng theo chị Hằng, do nhà trường không nhận giữ trẻ vào ngày thứ bảy trong khi chị vẫn phải đi làm cho nên đành gửi con cho người hàng xóm với giá 80 nghìn đồng/ngày, dù điều kiện chăm sóc không bảo đảm nhưng chị đành chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác…

Khó khăn mà chị Hằng gặp phải cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình CN có con nhỏ đang làm việc tại KCX Tân Thuận vì những lúc cần tăng ca hay làm việc thêm giờ thì sẽ rất khó khăn trong việc bố trí đưa đón con theo giờ quy định. Thống kê của Trường MN KCX Tân Thuận, hiện nay nhà trường đang giữ 578 trẻ, trong đó có 152 trẻ thuộc nhóm mẫu giáo đủ điều kiện giữ ngoài giờ, còn lại 195 trẻ dưới ba tuổi không thực hiện giữ ngoài giờ. Bà Trần Thị Tú Trinh, Hiệu trưởng Trường MN KCX Tân Thuận cho biết: Nhiều phụ huynh phản ánh là quy định không giữ ngoài giờ đối với trẻ dưới ba tuổi còn cứng nhắc, không tạo điều kiện để CN an tâm làm việc, nhất là đối với những gia đình CN có hai con nhỏ theo học tại trường lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Theo bà Trinh, Ban giám hiệu nhà trường đã ghi nhận vướng mắc này và kiến nghị với thành phố cũng như ngành giáo dục cần tăng thêm biên chế giáo viên cho trường thì mới bảo đảm về thời gian lao động và chế độ thù lao.

Tương tự, tại KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức, dù công suất thiết kế của Trường MN Họa Mi có khả năng tiếp nhận 250 trẻ nhưng trong vòng hai năm qua, kể từ ngày đi vào hoạt động trường chỉ tiếp nhận gần 100 trẻ là con em CN của KCX.

Theo lý giải của Bộ phận công đoàn KCX Linh Trung 2, do nhà trường quy định chỉ giữ trẻ ngoài giờ đối với nhóm trẻ mẫu giáo, cho nên nhiều CN quyết định gửi con tại các trường tư thục hay nhóm trẻ gia đình mặc dù chi phí cao hơn trường công, nhưng bù lại họ không bị áp lực về việc phải đưa đón con đúng giờ của nhà trường. Thực tế này đã phát sinh nghịch lý dù “thừa” lớp nhưng lại “thiếu” học sinh trong khi nhu cầu gửi trẻ của con em CN ngày một tăng. Cũng theo Bộ phận quản lý KCX Linh Trung, hiện nay tổng số trẻ là con CN đang theo học tại hai trường MN do thành phố đầu tư xây dựng tại KCX Linh Trung 1 (Trường MN Hoa Đào) và KCX Linh Trung 2 (Trường MN Họa Mi) là 325 trẻ, chiếm một tỷ lệ quá nhỏ so với nhu cầu khoảng 10 nghìn trẻ là con em CN đang trong độ tuổi MN cần chỗ học tập.

Theo Ban Quản lý các KCX - KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza), thực hiện Đề án 404 của UBND thành phố, đến nay đã có 18 dự án trường MN (bao gồm các dự án đã triển khai trực tiếp trong KCX - KCN và các dự án nằm trong các khu đô thị liền kề) dành cho con em CN KCX - KCN đi vào hoạt động, đáp ứng hơn 6.300 chỗ gửi trẻ, tăng năm trường so với trước thời điểm năm 2016. Kết quả này cho thấy, cả hệ thống chính trị đã chung sức vì lực lượng lao động, phần nào giải quyết được nhu cầu về chỗ gửi trẻ của con em CN lao động. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Quản lý Hepza Nguyễn Hoàng Năng, số lượng trẻ là con CN gửi vào các trường MN công lập chiếm tỷ lệ không cao, chưa đạt công suất như thiết kế do các trường bố trí thời gian giữ trẻ ngoài giờ chưa phù hợp. Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố về môi trường (không khí, khói bụi, tiếng ồn, nước thải…) từ KCX - KCN cận kề, hệ thống công trình kỹ thuật hạ tầng giao thông, phương tiện cỡ lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sư phạm và sức khỏe trẻ em.

Vì vậy, để giải quyết những vướng mắc này, tạo điều kiện phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động của các trường MN, thành phố cần tăng cường biên chế giáo viên cũng như chế độ thù lao phù hợp để bảo đảm bố trí thời gian trông giữ trẻ ngoài giờ. Đồng thời, quy hoạch tạo quỹ đất “sạch” để sớm đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống trường MN công lập bằng nguồn vốn ngân sách đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chỗ gửi trẻ của CN lao động thành phố.