Tăng phương tiện giao thông phục vụ hành khách

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài, nhu cầu đi lại, vui chơi của người dân tăng cao cho nên các đơn vị giao thông vận tải đã tập trung huy động các phương tiện để phục vụ hành khách. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ở các nước lân cận đang diễn biến phức tạp, các ngành hàng không, đường bộ và đường sắt đều chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, khuyến cáo hành khách tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa lắp đặt bổ sung máy soi chiếu an ninh tại nhà ga quốc nội góp phần giải tỏa tình trạng ùn ứ hành khách.
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa lắp đặt bổ sung máy soi chiếu an ninh tại nhà ga quốc nội góp phần giải tỏa tình trạng ùn ứ hành khách.

Theo kế hoạch của Bến xe miền Ðông, trong bốn ngày cao điểm, từ 29-4 đến 2-5, dự báo số hành khách đi lại qua Bến xe miền Ðông hiện hữu (quận Bình Thạnh) khoảng 71 nghìn khách với khoảng 4.200 xe phục vụ, tăng gần 170% so với ngày thường. Trong đó, lượng khách đông nhất dự báo vào ngày 29-4 với khoảng 21 nghìn người.

Phó Tổng Giám đốc Bến xe miền Ðông Tạ Chương Chín cho biết, trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, bến xe đã chuẩn bị 1.150 đầu xe, đáp ứng số chỗ gấp đôi số khách dự báo. Trong trường hợp nhu cầu tăng đột biến, bến xe sẽ kiến nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cấp 500 phù hiệu cho xe tăng thêm chạy tuyến cố định. Bến xe miền Ðông sẽ điều chỉnh giá cước để bảo đảm các đơn vị vận tải đủ chi phí khi quay đầu (không có khách chiều về) để giải tỏa khách.

Theo đó, những chặng gần từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai, giá vé tăng cao nhất là 20% so với ngày thường. Những chặng xa hơn đến khu vực Tây Nguyên và từ Bình Thuận đến Quảng Ngãi, khu vực miền Tây Nam Bộ, giá vé tăng không quá 40%. Riêng Bến xe miền Ðông mới (TP Thủ Ðức) do đang khai thác các tuyến chạy cự ly dài từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra miền bắc), trong khi chỉ có bốn ngày nghỉ cho nên xe ở bến khó cạnh tranh với máy bay. Dự báo, lượng khách ở bến Bến xe miền Ðông mới chỉ khoảng gần 300 khách mỗi ngày và giá vé không tăng.

Theo dự báo của lãnh đạo Bến xe miền Tây, trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, lượng hành khách đi lại qua bến sẽ tăng từ 1,5 đến 2 lần so với dịp lễ năm 2020. Ngày cao điểm, 29-4, lượng hành khách dự kiến đạt từ 35 nghìn đến 38 nghìn khách/ngày. Giá vé tại Bến xe miền Tây sẽ tăng không quá 40% so với mức giá vé ngày thường trong hai ngày 30-4 và 1-5. Bến xe cũng đã lên phương án điều động thêm xe buýt, ô-tô từ những chặng ít khách qua chặng nhiều khách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ.

Lãnh đạo hai bến xe lớn này đều xác định tuyệt đối tuân thủ các quy định chung về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các bộ phận điều hành và hành khách không được chủ quan, lơ là vì bến xe là nơi tập trung rất đông người, đợt nghỉ lễ lại kéo dài bốn ngày. Hiện, cả hai bến xe đều đã có văn bản yêu cầu tất cả nhân viên, đơn vị vận tải siết chặt việc phòng, chống dịch; sẽ từ chối phục vụ các trường hợp hành khách không đeo khẩu trang, không tuân thủ các khuyến cáo, không khai báo y tế.

Để chủ động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ, ngành đường sắt đã lập kế hoạch tăng các chuyến tàu, nhất là các chuyến tàu chạy tuyến ngắn, từ khá sớm. Theo đó, bên cạnh việc duy trì chạy hằng ngày các đôi tàu khách Thống Nhất, trong các ngày từ 29-4 đến 3-5, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam tăng cường chạy thêm 55 đoàn tàu trên các tuyến, nhất là đến các địa phương dự báo thu hút lượng khách du lịch đông trong kỳ nghỉ lễ.

Ở khu vực phía nam, ngành đường sắt tổ chức chạy thêm 23 đoàn tàu từ TP Hồ Chí Minh đến Ðà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết. Cụ thể, tuyến Sài Gòn - Ðà Nẵng chạy thêm đôi tàu SE27/28, SE29/30; tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi chạy thêm đôi tàu SE25/26; tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn chạy thêm hai đôi tàu SQN1/SQN2, SQN3/SQN; tuyến Sài Gòn - Nha Trang chạy thêm các tàu SNT4, SNT6, SNT8, SNT10, SNT12, SNT14, SNT3, SNT5, SNT7, SNT9, SNT1; tuyến Sài Gòn - Phan Thiết chạy thêm đôi tàu SPT4/SPT5. Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Ðào Anh Tuấn cho biết, qua số lượng vé tàu đã bán cho thấy lượng hành khách đi lại dịp lễ tăng khoảng 40% so với ngày thường. Từ ngày 28-4 đến 3-5, hành khách đã mua gần 51 nghìn vé. Như vậy, số lượng phương tiện tăng cường bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của hành khách bằng tàu lửa trong dịp lễ 30-4, 1-5 năm nay.

Dự báo trước nhu cầu đi lại rất lớn của hành khách bằng máy bay trong bốn ngày nghỉ lễ cho nên hầu hết các hãng hàng không đều tăng chuyến bay để nâng cao tối đa công suất khai thác. Trong đó, từ ngày 28-4 đến ngày 3-5, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) tiếp tục tăng tải gần 117 nghìn chỗ, tương ứng với xấp xỉ 570 chuyến bay nội địa, nâng tổng số cung ứng sau hai đợt tăng tải lên hơn 610 nghìn chỗ (tương ứng gần 3.200 chuyến bay). Theo Vietnam Airlines, đến thời điểm hiện tại, hãng ghi nhận khá đông lượng khách đặt mua hầu hết tất cả các chặng bay nội địa. Các tuyến giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Ðà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, tỷ lệ lấp đầy trong một số ngày bay cao điểm nhất lên tới 95%.

Các hãng hàng không đều quy định, đối với chuyến bay nội địa, hành khách bắt buộc phải khai báo y tế trước khi lên máy theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải. Việc khai báo y tế trước chuyến bay có thể thực hiện trước 24 giờ so với giờ khởi hành. Khi đến làm thủ tục trước chuyến bay (check-in) và trước khi lên máy bay (boarding), hành khách cần cung cấp hình ảnh kết quả màn hình hoặc bản in kết quả khai báo y tế trực tuyến cho nhân viên để được phục vụ các thủ tục hàng không.

Bài và ảnh: VÕ LÊ