Tăng cường phòng, chống cháy, nổ thời điểm cuối năm

Thời điểm cuối năm, nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa của người dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố tăng cao khiến các nguy cơ về cháy, nổ cũng xảy ra nhiều hơn, nếu công tác phòng, chống cháy, nổ không được chú trọng. Về lâu dài, các giải pháp nhằm nâng cao ý thức phòng, chống cháy, nổ trong nhân dân rất cần được các ngành chức năng quan tâm thực hiện thường xuyên...  

Các lực lượng chức năng của Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp tuyên truyền về phòng, chống cháy, nổ cho người dân tại địa bàn quận 1.
Các lực lượng chức năng của Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp tuyên truyền về phòng, chống cháy, nổ cho người dân tại địa bàn quận 1.

Mới đây, một vụ hỏa hoạn rất lớn đã xảy ra tại Công ty cổ phần thực phẩm CJ Cầu Tre (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) khiến nhiều tài sản của doanh nghiệp (DN) này bị hư hại nặng nề. Đến nay, việc khắc phục các hậu quả của vụ cháy vẫn đang được triển khai, nhiều dây chuyền sản xuất chưa hoạt động trở lại khiến nhiều công nhân phải tạm nghỉ việc. Trong các tháng cuối năm, khi sản xuất vừa phục hồi, với nhiều đơn hàng hơn thì sự cố này rõ ràng là một thiệt hại rất lớn đối với DN. 

Theo biên bản hiện trường, vụ cháy khởi phát tại khu vực kho hàng, sau đó lan sang khu sản xuất, ít phút sau đó, đám cháy lan rộng và khó kiểm soát. Hiện tại, cơ quan công an đang phối hợp với DN để điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Trước đó, kho chứa hàng gia dụng thuộc Công ty cổ phần Ngôi nhà Ánh Dương Miền Nam (Sunhouse Miền Nam), tại đường số 1, Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) cũng bốc cháy. Lực lượng chức năng của quận Bình Tân và một số quận chung quanh phải điều tới 34 xe cứu hỏa và gần 200 cán bộ, chiến sĩ để chữa cháy. Đám cháy dù được dập tắt sau đó vài giờ nhưng thiệt hại về hàng hóa của DN này là rất lớn…

TP Hồ Chí Minh là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, nhiều công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất liên tục được hình thành và đi vào hoạt động. Tốc độ đô thị hóa của thành phố cũng vào loại cao nhất nước. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, khí ga hóa lỏng, các chất dễ cháy, nổ ngày càng nhiều dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ. 

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2014 - 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 7.240 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy, nổ, tăng 1.511 tai nạn, sự cố so với giai đoạn 5 năm trước đó. Trong đó, có 6.245 vụ cháy làm chết 85 người, bị thương 238 người, gây thiệt hại tài sản gần 857 tỷ đồng. Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an TP Hồ Chí Minh, các nguyên nhân gây cháy chủ yếu vẫn do sự chủ quan, sơ suất trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện; bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố cũng đã xảy ra hơn 400 vụ cháy, nổ, làm chết tám người, bị thương 21 người, gây thiệt hại hơn 21.000 m2 diện tích nhà ở, nhà xưởng cùng nhiều tài sản, máy móc, thiết bị… ước tính thành tiền hơn tám tỷ đồng. Đại diện PC07 nhận định, dù tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố đã được kiềm chế và kéo giảm về số vụ, nhưng các nguy cơ vẫn tiềm ẩn rất phức tạp, nhất là trong các tháng cuối năm.

Cháy, nổ luôn là nỗi lo lắng của mọi người dân và DN. Nhằm góp phần mang lại bình yên cho người dân, nhiều năm qua, bên cạnh các biện pháp nâng cao nghiệp vụ chuyên nghiệp, PC07 đã đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC. Đây được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu mang lại hiệu quả cao trong việc PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, các đơn vị trực thuộc PC07 thường xuyên tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và người dân; trong đó, chú trọng hướng dẫn các cơ sở, khu dân cư thực hiện việc tự kiểm tra về PCCC để kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh có thể dẫn đến cháy, nổ. 

Thống kê của PC07 cho thấy, trong số các vụ cháy được khống chế sớm, có đến khoảng 75% số vụ được lực lượng tại chỗ phát hiện và xử lý đúng phương pháp cho nên đã hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. Với hiệu quả đó, đến nay, PC07 đã thành lập đủ 1.991 đội dân phòng tại 1.991 khu phố, ấp với tổng số 21.461 đội viên gồm nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau để chung tay, hỗ trợ công tác PCCC hiệu quả hơn với phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ). Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức PCCC, kỹ năng xử lý tình huống cũng được cơ quan chức năng chú trọng thực hiện. Một trong các nội dung quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép các kiến thức về PCCC cho học sinh theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thông qua nhiều hoạt động trực quan, thiết thực… 

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, để phòng ngừa cháy, nổ xảy ra trong những ngày cuối năm, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đơn vị đang phối hợp Sở Công thương, Sở Xây dựng, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, các quận, huyện tổ chức kiểm tra công tác PCCC theo từng chuyên đề; qua đó nhắc nhở, xử lý, ngăn chặn từ đầu các vi phạm. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm tập trung những nơi có nguy cơ cháy cao như chợ, trung tâm thương mại, các khu vui chơi, giải trí, nơi tập trung đông người. Khi phát hiện vi phạm, đoàn kiểm tra sẽ xử lý; đồng thời yêu cầu chủ cơ sở khắc phục, cam kết cụ thể thời gian khắc phục, lực lượng chức năng cơ sở có trách nhiệm theo dõi. Nếu người vi phạm không chấp hành, ngành chức năng sẽ có biện pháp mạnh, có thể phối hợp chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động...