Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng găm hàng, tăng giá để trục lợi

Mưa bão, lũ lụt liên tiếp ở miền trung và các tỉnh Đông Nam Bộ trong nhiều ngày qua, khiến nhiều mặt hàng, nhất là nhu yếu phẩm thiết yếu và hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ... tại TP Hồ Chí Minh trở nên khan hiếm, đắt đỏ. 

Sài Gòn Food tăng công suất sản xuất cháo tươi để phục vụ người dân vùng lũ.
Sài Gòn Food tăng công suất sản xuất cháo tươi để phục vụ người dân vùng lũ.

Ghi nhận tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn  thành phố như Hồ Học Lãm, An Dương Vương (quận Bình Tân), Tân Định, Bến Thành (quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận)… mặt hàng rau xanh khan hiếm và giá tăng đáng kể so với trước đó. Chị Hồng (tiểu thương chợ Hồ Học Lãm) cho biết: “Do mưa bão cho nên lượng rau về chợ giảm, trước đây về chợ mười phần thì nay giảm còn ba phần. Rau bị ngập úng, không được bắt mắt nhưng giá vẫn tăng từng ngày, với mức tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Như rau muống đã lên tới 50.000 đồng/kg nhưng hai ngày nay không có để bán”.  Chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) là nơi chuyên bán rau trái đặc sản miền trung. Giá cả nhiều mặt hàng ở chợ này trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Cụ thể, hành lá ngày thường có giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg, nay tăng lên 80.000 đồng/kg; gừng từ 65.000 đồng/kg tăng lên 100.000 đồng/kg; tỏi Lý Sơn từ 150.000 đồng/kg tăng lên 180.000 đồng/kg… Tiểu thương tại chợ cho biết, trước đây, mỗi tuần có hai, ba lần hàng về, hết hàng là hôm sau lại có ngay, nhưng khi xảy ra bão lũ, hàng về chậm hơn hai, ba ngày và lượng hàng cũng giảm hơn 50%.  Thông tin từ Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mỗi ngày lượng rau củ về chợ khoảng 1.600 tấn, trong đó, riêng lượng rau của tỉnh Lâm Đồng cung cấp cho TP Hồ Chí Minh chiếm từ 40% đến 50%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão khiến nguồn cung từ tỉnh này về thành phố giảm khoảng 20%. Sức mua tại chợ này cũng giảm do chất lượng rau giảm, ngập úng vì bị mưa bão...

Bên cạnh đó, các mặt hàng thiết yếu phục vụ việc hỗ trợ cho bà con nơi tâm bão, lũ cũng có hiện tượng khan hiếm, tăng giá. Trong vai người cần tìm mua áo phao cứu sinh, chúng tôi đã liên hệ với nhiều cửa hàng, đơn vị sản xuất nhưng các nơi đều trả lời không còn hàng. Tại một số cửa hàng chuyên bán đồ thể thao, đồ bảo hộ trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), Thành Thái (quận 10)… áo phao gần như vắng bóng. Một nhân viên cửa hàng tại quận 1 cho hay, áo phao trong nước sản xuất, giá từ 30.000 đến 85.000 đồng/chiếc, áo nhập khẩu giá từ 150.000 đến 500.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, hàng sản xuất trong nước không còn, hàng nhập khẩu chỉ còn số lượng ít. “Mấy ngày nay, nhiều đơn vị liên hệ mua để làm từ thiện cho nên sản phẩm cháy hàng” - nhân viên này nói. Một đại diện của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Sang Hà (Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú), đơn vị chuyên sản xuất áo phao cho biết, mặt hàng này đã hết hàng trong nhiều ngày qua. Theo vị đại diện, trước đây, áo phao cứu sinh chủ yếu được đặt hàng để cung cấp cho các hồ bơi, bến thuyền, bến đò, bãi biển… Tuy nhiên, trong 10 ngày qua do tình hình lũ lụt ở miền trung cho nên đơn đặt hàng áo phao để ủng hộ người dân vùng lũ tăng đột biến về số lượng, đơn vị phân phối không đủ hàng để cung cấp. 

Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Food Lê Thanh Lâm chia sẻ, do nhu cầu mua cháo cứu trợ miền trung tăng đột biến nên dây chuyền sản xuất cháo tươi của công ty đã phải làm việc ngày đêm. Không chỉ tăng công suất, chúng tôi cũng đưa cam kết giá bán chỉ 8.000 đồng/túi cháo, dành riêng cho các đoàn thiện nguyện cứu trợ miền trung. Ngoài doanh nghiệp này, rất nhiều đơn vị sản xuất mì ăn liền, thực phẩm chế biến khác của TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, đã tăng công suất hoạt động và cam kết không tăng giá sản phẩm bán ra trên thị trường. Theo đại diện của Saigon Co.op, đến nay hệ thống Co.opmart khu vực miền trung đã tăng gấp ba lần các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, mì ăn liền, nước mắm, dầu ăn, các loại lương khô, đồ hộp, nước tinh khiết, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả các loại… Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như giấy vệ sinh, dầu gội đầu, sữa tắm, chất tẩy rửa gia dụng cùng các mặt hàng đồ dùng như áo mưa, đèn, pin, quạt cầm tay… cũng được dự trữ số lượng lớn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn gửi các Đội QLTT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng thu gom, tăng giá quá mức, hàng giả, kém chất lượng đối với mặt hàng phao, áo phao cứu sinh. Cục trưởng QLTT thành phố Trương Văn Ba cho biết: Hiện nay, nhiều đối tượng hoạt động mua gom, găm hàng, tăng giá quá mức mặt hàng phao và áo phao cứu sinh để kinh doanh trái phép, thu lợi bất chính; việc khan hiếm mặt hàng này sẽ phát sinh tình trạng sản xuất phao, áo phao giả, kém chất lượng tung ra thị trường. Để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi mua gom, găm hàng, tăng giá quá mức, sản xuất, kinh doanh hàng giả mặt hàng phao và phao cứu sinh, Cục QLTT thành phố yêu cầu các đội nắm chắc tình hình tại địa bàn, giám sát ngay các hoạt động kinh doanh dụng cụ, trang bị bảo hộ lao động, cứu hộ để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm nêu trên. Đặc biệt, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh phao, áo phao và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời xử lý triệt để tại nơi chứa trữ, sản xuất phao, áo phao giả, kém chất lượng.

Giám đốc Sở Công thương  thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, sở  đã làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn để có kế hoạch tăng cường những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân miền trung theo chỉ đạo từ Bộ Công thương và UBND thành phố. “Hiện tại các nhà máy đã tăng ca sản xuất thực phẩm và một số đồ bảo hộ như áo phao, thuốc men… nhằm đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của các tỉnh vùng lũ. Đặc biệt, những doanh nghiệp sản xuất áo phao, nhu yếu phẩm đều khẳng định sẽ bảo đảm giá thành sản xuất tốt nhất cho bà con” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.