Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả

Mặc dù lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất hàng giả, nhái nhãn hiệu vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi...

Hàng lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ tại Cảng Cát Lái.
Hàng lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ tại Cảng Cát Lái.

Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bách cho biết, trong năm 2019, lực lượng QLTT thành phố đã thực hiện 82.794 vụ kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, phát hiện 5.748 vụ vi phạm. Trong đó có 1.401 vụ hàng lậu, 1.054 vụ hàng giả, 332 vụ hàng cấm, 365 vụ hàng không rõ nguồn gốc, 153 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lực lượng chức năng đã xử phạt 4.689 vụ, thu nộp ngân sách gần 114 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy 46,5 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 97,5 tỷ đồng. Ðã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 18 vụ với trị giá hàng hóa vi phạm là 15,8 tỷ đồng.

Ðối với hàng hóa nhập lậu, lực lượng QLTT thành phố đã tạm giữ hơn 111 tấn và 1.435.135 đơn vị sản phẩm. Chỉ riêng mặt hàng thuốc lá, các đội QLTT thành phố đã kiểm tra 503 vụ, phát hiện 301 vụ vi phạm; tạm giữ 103.402 bao thuốc lá nhập lậu, 203 sản phẩm và dụng cụ thuốc lá điện tử và tạm giữ 17 xe máy, bốn xe ô-tô dùng làm phương tiện buôn lậu. Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tạm giữ hơn 100 tấn, 4.007 lít và 204.678 đơn vị sản phẩm gồm rượu, hóa chất công nghiệp, mỹ phẩm, thực phẩm, điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng... Hàng giả bị tạm giữ 229.998 sản phẩm gồm nhiều sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, năm 2019, các đội QLTT thành phố đã xử lý 96 tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt hơn 2,3 tỷ đồng. Tiếp tục kiểm tra đối với các chủ thể vi phạm này, nhiều hành vi vi phạm khác đã được phát hiện và xử phạt 608 triệu đồng; xử lý 265.419 đơn vị sản phẩm, tổng trị giá hơn 14,2 tỷ đồng…

Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên thị trường thành phố gần đây có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp do có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cùng tham gia. Ðơn cử sản phẩm Nón Sơn, rất nhiều lần nhãn hiệu này bị làm giả và lần sau mức vi phạm gia tăng hơn lần trước bị phát hiện. Mới đây, vào ngày 3-1-2020, lực lượng công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra kho hàng không số tại ấp 6, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã tạm giữ 500 chiếc mũ giả Nón Sơn, 1.250 vỏ nhựa mũ bảo hiểm và nhiều nguyên phụ liệu, phương tiện làm hàng giả khác. Chủ cơ sở làm hàng giả này khai nhận sản xuất Nón Sơn giả từ tháng 10-2019, mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 300 - 400 chiếc theo đơn đặt hàng qua mạng. Giá mỗi chiếc Nón Sơn thật khoảng 600.000 đồng nhưng cơ sở này bán sỉ chỉ có 25.000 đồng/chiếc.

Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn Nguyễn Ngọc Tý cho biết, các loại mũ bảo hiểm này làm giả Nón Sơn đến 95%, từ nguyên liệu, cụm dây quai đeo, đệm lót, lô-gô rất tinh vi. Nón Sơn là loại mũ bảo hiểm có sức mua lớn trên thị trường, vì vậy sản phẩm của doanh nghiệp này liên tục bị làm giả, mặc dù nhà sản xuất và cơ quan chức năng không ít lần bắt giữ. Trước đây không lâu, các cơ quan chức năng đã bắt quả tang ba cơ sở làm giả Nón Sơn tại các quận 6, 8 và 12, thu giữ từ 1.000 - 1.500 chiếc mũ bảo hiểm Nón Sơn giả của mỗi cơ sở.

Theo Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính. Hàng hóa thường được các đối tượng nhập lậu qua đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt sau đó được chứa trữ tại các kho, điểm trung chuyển rồi vận chuyển theo phương thức phân tán đến nơi tiêu thụ.

Phần lớn các mặt hàng nhập lậu có giá trị lớn, đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ hơn so với hàng nhập khẩu chính thức và dễ tiêu thụ trên thị trường. Phương thức và thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi, không theo trình tự thời gian cụ thể. Ðối tượng kinh doanh bày bán hoặc chứa trữ tại kho thì xen lẫn hàng nhập lậu với hàng hóa có hóa đơn, chứng từ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý của lực lượng chức năng...

Để đẩy lùi hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường, trong năm 2020, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác và xuất xứ Việt Nam, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, buôn bán hàng gian, hàng giả thương mại điện tử. Cùng với đó, tập trung điều tra các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả chuyên nghiệp trên tinh thần thực hiện quyết liệt và xử lý nghiêm các hành vi
vi phạm...