Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa dịp Tết

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đáp ứng nhu cầu mua sắm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân, các cơ quan chức năng đã tập trung cao điểm công tác tổ chức kiểm tra và phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Một lô hàng vận chuyển từ ga Hà Nội vào ga Sài Gòn không có nguồn gốc xuất xứ, bị lực lượng chức năng của thành phố thu giữ.
Một lô hàng vận chuyển từ ga Hà Nội vào ga Sài Gòn không có nguồn gốc xuất xứ, bị lực lượng chức năng của thành phố thu giữ.

Quyền Cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bách cho biết: Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các loại hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan. Các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, đồng hồ đeo tay giả các nhãn hiệu nổi tiếng một phần được sản xuất trong nước nhưng số nhiều loại hàng hóa này nhập lậu. Từ đầu tháng 1 đến nay, lực lượng QLTT thành phố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đã phát hiện 12 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; 81 vụ vi phạm về chất lượng thực phẩm. Các vụ vi phạm do không có chứng từ, sản phẩm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc; đã tạm giữ 1.146 kg các loại quả sấy khô; 54.731 đơn vị sản phẩm kẹo, bánh, bột gia vị; 1.352 kg đậu các loại và 94.921 đơn vị sản phẩm rượu, bia, sữa, nước giải khát… Đơn cử, lực lượng QLTT thành phố và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra hai toa của đoàn tàu SE9, chạy tuyến từ Hà Nội đến ga Sài Gòn, đã phát hiện 84 kiện hàng hóa quần áo, giày dép, linh kiện điện tử có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tại thời điểm kiểm tra, số hàng bị tạm giữ, những người liên quan đến hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Cục QLTT thành phố cùng Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an kiểm tra hai cơ sở sản xuất bún tươi Minh Hoàng, đường Bình Thành và một cơ sở trên quốc lộ 1A đều thuộc phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, lực lượng kiểm tra đã phát hiện hai cơ sở này sản xuất bún tươi kém chất lượng. Cả hai cơ sở đều không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Riêng cơ sở trên quốc lộ 1A còn sử dụng bún thành phẩm đã hết hạn sử dụng do khách hàng trả lại để làm nguyên liệu sản xuất bún tươi bán cho người tiêu dùng. Tại cơ sở, đoàn kiểm tra yêu cầu chủ cơ sở này tự tiêu hủy 530 kg bún thành phẩm, 825 kg bún đã hết hạn sử dụng, đồng thời buộc cả hai cơ sở tạm ngừng sản xuất bún cho đến khi có đầy đủ các giấy tờ hợp pháp…

Trong những ngày gần đây, đoàn công tác của Bộ Công thương do Tổng cục QLTT chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức kiểm tra hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi 2019. Các mặt hàng thuộc đối tượng ưu tiên kiểm tra là thuốc lá, rượu bia, nước giải khát, mứt, bánh kẹo, thực phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có sức mua tăng mạnh trong dịp Tết sắp đến như quần áo, giày dép, túi xách, ví, mỹ phẩm… Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (QLATTP) thành phố Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận: Tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng tại thành phố hiện vẫn còn diễn biến phức tạp và gia tăng trong dịp cuối năm. Tại thành phố hiện vẫn tồn tại một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nhà xưởng trong điều kiện xuống cấp; còn nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm nhận thức chưa tốt về vấn đề an toàn vệ sinh trong sản xuất, bảo quản, lưu thông, bày bán thực phẩm trên thị trường.

Để bảo đảm nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh phục vụ cho nhu cầu mua sắm Tết của người dân thành phố, Ban QLATTP thành phố đã lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp đến các chợ đầu mối, chợ truyền thống, hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn để kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, tình hình bảo quản, lưu thông, cung cấp cho người tiêu dùng. “Kết quả kiểm tra đã phát hiện tình trạng sản xuất hàng Tết từ nguyên liệu kém chất lượng; kinh doanh hàng không có nguồn gốc; chất lượng hàng một nơi, tem nhãn, bao gói một nơi. Đáng chú ý có trường hợp cung cấp cho thị trường thành phố thịt heo bị bệnh lở mồm long móng nhưng cắt mất chân heo để không bị phát hiện, rất nguy hại cho thị trường và sức khỏe của người tiêu dùng”, Trưởng ban QLATTP thành phố Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Quyền Cục trưởng QLTT Nguyễn Văn Bách chia sẻ, cùng với cơ quan chức năng, Cục QLTT thành phố đã tăng tần suất kiểm tra và quyết liệt xử lý đối với những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần tìm đến những địa chỉ bán hàng có uy tín để mua sắm Tết, cẩn trọng đối với các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng giá rẻ và bày bán trôi nổi.