Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố

Thức ăn đường phố (TAÐP) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), bởi chưa thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất sơ sài, tạm bợ, quy trình chế biến không tuân thủ các quy định ATTP. Ðây là nhận định của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố tại buổi lễ phát động "Chung tay bảo đảm ATTP thức ăn đường phố" diễn ra ở khu vực chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) vừa qua.

Một quán ăn đường phố tại quận Gò Vấp.
Một quán ăn đường phố tại quận Gò Vấp.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, TAÐP từ lâu đã trở thành nét đặc trưng trong văn hóa của người dân thành phố với nhiều món ăn đa dạng, phong phú, tiện lợi, giá cả phải chăng. Ðây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến với thành phố. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao để kiểm soát, đưa kinh doanh TAÐP vào quy củ nhằm giảm đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc, mất ATTP. Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 20.000 cơ sở kinh doanh TAÐP, với hơn 24.500 người tham gia kinh doanh. Trong năm 2018, các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra gần 15.200 cơ sở kinh doanh TAÐP, trong đó có 6.245 cơ sở vi phạm bị nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính. Trong năm 2018, Ban Quản lý ATTP thành phố đã phối hợp các quận, huyện xây dựng các mô hình điểm kiểm soát điều kiện ATTP đối với kinh doanh TAÐP, như: tuyến đường kinh doanh TAÐP bảo đảm ATTP, khu phố ẩm thực bảo đảm ATTP, tuyến đường không kinh doanh TAÐP…

Thời gian qua, Ban Quản lý ATTP thành phố phối hợp UBND quận 4 và Tân Bình triển khai xây dựng mô hình điểm kiểm soát điều kiện ATTP trong kinh doanh TAÐP tại Khu phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4), Khu ăn uống tập trung trước chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Theo đó, các đơn vị sẽ tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức về ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho người trực tiếp chế biến tại các cơ sở kinh doanh TAÐP. Bên cạnh đó, còn định kỳ kiểm tra nhanh các loại thực phẩm cũng như hỗ trợ người kinh doanh TAÐP (tạp dề, khẩu trang, bao tay), giúp người dân thực hành đúng về ATTP… Với những hoạt động triển khai thường xuyên, Ban Quản lý ATTP thành phố kỳ vọng vấn đề ATTP đối với kinh doanh TAÐP trên địa bàn ngày càng được cải thiện, từng bước kiểm soát điều kiện ATTP đối với loại hình kinh doanh này. Theo kế hoạch, hiện thành phố đang xây dựng 60 phường, xã điểm và 20 khu TAÐP.

Theo Ban Quản lý ATTP thành phố, hiện nay đã lập kế hoạch cải thiện điều kiện bảo đảm ATTP với TAÐP năm 2019 với mục tiêu kiểm soát chất lượng an toàn, giảm tình trạng ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm cũng như nâng cao ý thức của cả người bán lẫn người mua. Theo đó, mỗi quận, huyện sẽ xây dựng các mô hình điểm kiểm soát điều kiện ATTP đối với loại hình kinh doanh TAÐP. Các quận, huyện sẽ lập các khu phố ẩm thực, tuyến đường kinh doanh, phường, xã điểm trong kiểm soát bảo đảm vệ sinh, ATTP. Bên cạnh đó, sẽ có những tuyến đường không có TAÐP để từng bước quy hoạch vào các điểm bán tập trung nhằm tăng cường các điều kiện bảo đảm vệ sinh tốt hơn. Ban Quản lý ATTP thành phố đã lập ra mười tiêu chí đánh giá cơ sở kinh doanh TAÐP, trên cơ sở đó phối hợp MTTQ, Hội Phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh, ATTP cho những người kinh doanh loại hình này. Căn cứ trên mười tiêu chí đối với TAÐP, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá và gắn lô-gô biểu trưng "thức ăn đường phố an toàn" cho các điểm bán hàng đáp ứng tốt các điều kiện đặt ra. Các điểm bán TAÐP không đạt tiêu chuẩn sẽ bị kiểm tra, xử lý, nhẹ thì cảnh cáo, thông báo lên sóng phát thanh, nặng sẽ buộc phải ngừng kinh doanh.

Mới đây, Văn phòng UBND thành phố đã thông báo về chỉ đạo của lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019. Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện tổ chức các chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội. Ðồng thời, cơ quan chức năng quản lý thực phẩm theo đặc thù lĩnh vực chuyên môn, địa bàn. Các cơ quan phải kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định ATTP, phổ biến danh sách các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho người dân được biết. UBND thành phố cũng yêu cầu huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cũng như mùa Lễ hội Xuân 2019. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Ðồng thời, các đơn vị cũng đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP.

Ban Quản lý ATTP thành phố đã thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu trên địa bàn thành phố, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Các đoàn kiểm tra sẽ chú trọng kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh ăn uống. Cơ quan chức năng cũng sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói… theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, phản ánh từ các cá nhân, tổ chức và phương tiện truyền thông…