Tăng cường kết nối doanh nghiệp và tiểu thương

Dù đã có một số tiến triển khả quan nhưng nhìn chung, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng Việt với các tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố vẫn chưa đạt đến độ mật thiết, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn trong việc bắt tay nhau đưa hàng Việt vào chợ.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm được sản xuất trong nước tại chợ Bến Thành.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm được sản xuất trong nước tại chợ Bến Thành.

Thời gian qua đã có rất nhiều cuộc gắn kết giữa tiểu thương với các DN hàng Việt. Ðây cũng là mong muốn của phần lớn các DN hàng Việt và tiểu thương. Tuy nhiên, sau một thời gian bắt tay với nhau, giữa DN hàng Việt và tiểu thương đã phát sinh không ít khó khăn và trở ngại. Theo các DN hàng Việt, hiện phần đông tiểu thương thích bày bán các sản phẩm được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, hay giới thiệu một nhãn hiệu mới đang được quảng cáo trên truyền hình. Các sản phẩm này được bày trên kệ khá bắt mắt, có kèm quà tặng, khuyến mãi từ nhà sản xuất. Vì thế, đội ngũ tiếp thị của các DN Việt rất khó tiếp cận và đưa được sản phẩm trên các quầy hàng của tiểu thương, nếu có cũng chỉ được trưng bày ở những vị trí không được ưu tiên. Sở dĩ có hiện tượng nêu trên là do, tiểu thương quen với việc bán hàng của các công ty nước ngoài được sự hỗ trợ từ việc trưng bày, khuyến mãi đến chiết khấu hoa hồng cao. Thậm chí có tiểu thương nhận hàng Việt nhưng dán lại nhãn các thương hiệu nước ngoài để bán với giá cao. Giám đốc Công ty Liêu Thanh bà Tô Hoa Hồng Ðiệp cho biết, nhãn hiệu Jovial của công ty đã bị cắt và thay bằng nhãn hiệu Nhật Bản để bán giá cao hơn... Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) Vũ Kim Hạnh, sản phẩm hàng hóa của các công ty đa quốc gia vẫn chiếm ưu thế tại các chợ truyền thống vì có vốn mạnh, biết cách chăm sóc tiểu thương, huấn luyện cách bán hàng...

Trong khi đó, nhiều DN cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, kênh phân phối nào cũng cần được xem trọng. Hiện hàng hóa vào siêu thị cũng chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng của DN nên họ mong mỏi việc quảng bá ở siêu thị sẽ kéo người tiêu dùng đến mua sản phẩm của họ tại các chợ truyền thống. Thế nhưng, hàng Việt lại có ít cơ hội để "chen chân" vào các chợ vì có không ít tiểu thương, vì lợi nhuận, đã đem đấu giá không gian trưng bày sản phẩm trong chợ. Về phía tiểu thương, một tiểu thương ở chợ Bình Tây cho biết, việc cạnh tranh giữa chợ truyền thống và siêu thị diễn ra rất gay gắt, tiểu thương đã cố gắng thay đổi, nâng cấp quầy sạp, phong cách bán hàng, tham gia các khóa huấn luyện nâng cao kỹ năng bán hàng... Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng tiểu thương cũng phải kiếm cách tồn tại bằng lợi nhuận. Do vậy, dù cũng rất mặn mà và ủng hộ việc bày bán hàng Việt nhưng DN hàng Việt lại thất thế so với DN nước ngoài ở khâu hỗ trợ về tỷ lệ chiết khấu, cung cấp quầy kệ trưng bày sản phẩm... nên tiểu thương đành phải chọn hàng nước ngoài. Một điểm yếu nữa của DN hàng Việt là chính sách bán hàng luôn thay đổi. Chị Lê Hạnh, một tiểu thương chợ Xóm Củi (quận 8), cho biết, tiểu thương hoàn toàn ủng hộ việc giới thiệu và bán hàng Việt nhưng hàng Việt lại thường hay "đứt hàng" khiến tiểu thương lúng túng và để giữ khách cũng như giữ doanh thu, tiểu thương buộc phải thay bằng sản phẩm khác...

Ðể hàng Việt được bày bán nhiều hơn ở các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương cho rằng các DN hàng Việt nên "chăm sóc" kỹ hơn khâu cung ứng và bảo quản hàng hóa. Chẳng hạn, các DN Việt nên đầu tư hệ thống trữ lạnh ở các chợ để bảo quản các loại thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả... Bên cạnh đó, bên cạnh phần tiếng Anh theo xu hướng mới thì các sản phẩm Việt cần giữ lại phần tiếng Việt trên biểu tượng và nhãn hiệu sản phẩm để người tiêu dùng dễ nhận biết. Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, trước mắt, các nhà sản xuất nên liên kết chặt hơn nữa với tiểu thương và có những chính sách ưu đãi hơn đối với tiểu thương, nhất là không nên để xảy ra việc "đứt hàng". Còn theo bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty chế biến thủy hải sản Liên Thành, cho biết, DN cần phải cân bằng giữa phát triển sản phẩm và kênh phân phối, tùy thuộc vào tiềm lực của mỗi đơn vị mà xây dựng chiến lược phù hợp, bảo đảm việc cung ứng hàng hóa tại các chợ, sẵn sàng lắng nghe tiểu thương để chủ động chấn chỉnh... Ðể hỗ trợ DN hàng Việt vào chợ, hiện Sở Công thương đang phối hợp Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư thành phố tiếp tục giới thiệu những DN hàng Việt có thương hiệu uy tín để đưa hàng vào chợ. Sở cũng kêu gọi DN hàng Việt nên có thêm chính sách ưu đãi, khuyến mãi cho kênh phân phối ở các chợ.