Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Mặc dù các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng tình trạng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm vi phạm vẫn chưa được kéo giảm.

Thực phẩm tươi sống được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh.
Thực phẩm tươi sống được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh.

Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ nguyên liệu kém phẩm chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, ngâm tẩm hóa chất nguy hại, khâu chế biến mất vệ sinh, nơi cung cấp thực phẩm, bảo quản thức ăn thiếu sạch sẽ không chỉ diễn ra ở các quán ăn, sạp chợ mà còn xuất hiện ở các nhà hàng, khách sạn hạng sang. Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Trong tháng 8-2019, Ban Quản lý ATTP đã ban hành 82 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm, tổng số tiền phạt hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó 33 cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hạn trên ba tháng, không có hồ sơ tự công bố, không nộp hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Trong sáu tháng đầu năm 2019, Ban Quản lý ATTP thành phố đã tổ chức kiểm tra 2.560 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 289 cơ sở vi phạm, đã xử phạt 243 cơ sở với tổng số tiền hơn 3,1 tỷ đồng, tiếp tục xử lý 46 cơ sở. So với cùng kỳ năm 2018, tỷ lệ số cơ sở thanh tra, kiểm tra tăng 133%, tỷ lệ cơ sở vi phạm tăng 56%, số cơ sở bị xử phạt tăng 31%. Ðã tiến hành đình chỉ hoạt động có thời hạn tám cơ sở, thu hồi bản tự công bố sản phẩm hai cơ sở; tháo gỡ quảng cáo một cơ sở; thu hồi, tiêu hủy 1.267 kg sản phẩm và 345 đơn vị sản phẩm và tám loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Theo đó, để hạn chế tình trạng các loại thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, Ban Quản lý ATTP thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát ATTP tại các lễ hội, sự kiện, các bếp ăn tập thể tại trường học. Ðồng thời, triển khai lấy 222 mẫu phân tích định lượng đối với các thực phẩm có nguy cơ cao gây mất ATTP, kết quả có 41 mẫu không đạt, tỷ lệ 18,5%. Ðơn cử, ngày 21-8, Ðội Quản lý an toàn thực phẩm số 7 đã kiểm tra Công ty TNHH Toàn Cầu D2 Việt Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phát hiện đơn vị này có nhiều sai phạm. Tại buổi kiểm tra, lực lượng kiểm tra phát hiện cơ sở này sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật. Tại thời điểm kiểm tra, có 42 thùng (56 hộp/thùng) trọng lượng 300 gram/hộp; 55 thùng (32 hộp/thùng) trọng lượng 400 gram/hộp, 137 thùng (32 hộp/thùng) trọng lượng 400 gram/hộp chưa dán nhãn (sản phẩm chưa hoàn chỉnh). Nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các yếu tố gây hại khác. Khu vực sản xuất bám bụi, các tủ sấy bám bụi, không có chế độ vệ sinh, để các thùng giấy và các bình nhựa trong khu vực sản xuất trực tiếp trên nền sàn…

Ngoài ra, nhằm bảo đảm ATTP đối với loại hình thức ăn đường phố, 60 mô hình điểm kiểm soát điều kiện ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố đã được đăng ký xây dựng. Theo đó, Ban Quản lý ATTP tiếp tục phối hợp với các quận, huyện trong công tác xây dựng mô hình điểm kiểm soát ATTP thức ăn đường phố, tiến tới công nhận các mô hình điểm để nhân rộng ra toàn thành phố, từng bước cải thiện điều kiện ATTP, bảo đảm ATTP thức ăn đường phố khi kinh doanh.

Trước tình trạng an toàn vệ sinh chưa được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản đến các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố như một lời cảnh báo về vấn đề này. Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Ban Quản lý ATTP thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vi phạm và tiến hành xử phạt đối với các trường hợp không bảo đảm ATTP tại các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, trong đó có nhiều khách sạn từ ba đến năm sao, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống cao cấp tại các quận trung tâm. Ðể giữ gìn hình ảnh TP Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện và nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong phục vụ du khách cũng như người dân trên địa bàn thành phố, Sở Du lịch đề nghị các cơ sở lưu trú và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nâng cao ý thức, trách nhiệm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, sử dụng các nguyên liệu đầu vào ở những nguồn tin cậy, có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm thực phẩm tươi ngon, an toàn.