Tăng cường các biện pháp xử lý chất thải rắn

Theo quy hoạch vị trí trạm trung chuyển (TTC) chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ năm 2019 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ giảm dần các TTC trong khu vực nội đô, tăng TTC trên các tuyến vành đai… Cùng với đó, tăng cường nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả để bảo vệ môi trường sạch, đẹp.

Gom rác tại khu dân cư Thảo Ðiền (quận 2).
Gom rác tại khu dân cư Thảo Ðiền (quận 2).

Theo quy hoạch vị trí TTC chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, tổng số trạm đến năm 2025 là 40 và đến năm 2035 còn 36 trạm. Cụ thể, ngưng hoạt động, chuyển đổi thành điểm tập kết hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với sáu TTC, gồm: Bình Trưng Tây (quận 2), Bà Lài (quận 6), Tân Hóa (quận 11), Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), Bà Ðiểm (huyện Hóc Môn) và Tân An Hội (huyện Củ Chi). Tiếp tục vận hành 34 trạm đã mở rộng, nâng cấp và đầu tư mới trong giai đoạn trước năm 2025; đồng thời đầu tư xây mới hai trạm cấp thành phố tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu quy hoạch xử lý chất thải rắn và Nghĩa trang Ða Phước (huyện Bình Chánh).

Ðến năm 2025, thành phố sẽ dừng hoạt động chín trạm hiện hữu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; giữ lại bảy trạm hiện hữu đã đầu tư cải tạo nhà xưởng, có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khí thải, phun xịt khử mùi; mở rộng, nâng cấp 11 trạm hiện hữu ở các quận: 7, 9, 11, 2, 4, Gò Vấp, Thủ Ðức và hai huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Cùng với đó, đầu tư mới 22 trạm, gồm năm trạm liên quận, huyện trên địa bàn các quận: 2, 8, Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi và 17 trạm phục vụ nhu cầu tại chỗ trên địa bàn các quận: 2, 5, 8, 9, 12, Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè.

Không chỉ giảm các TTC trong khu vực nội đô, theo quy hoạch, các trạm đầu tư mới trên địa bàn thành phố phải bảo đảm diện tích, khoảng cách an toàn về môi trường, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về TTC chất thải rắn sinh hoạt. Bố trí dây chuyền công nghệ, cây xanh cách ly, các công trình xử lý nước thải, khí thải, mùi hôi, tiếng ồn, bụi… và các công trình phụ trợ khác.

Trạm trung chuyển phục vụ khu vực liên quận, huyện phải bảo đảm diện tích đất tối ưu là 10.000 m2. Trong trường hợp vị trí quy hoạch không đáp ứng diện tích tối ưu thì vị trí phải có diện tích tối thiểu là 5.000 m2. Các TTC phải bảo đảm công suất tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ nay đến năm 2025 và có khả năng phục vụ cho nhiều hoạt động khác như phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom, phân loại, lưu giữ chất thải từ hộ gia đình, chất thải y tế và các loại chất thải khác theo quy định. Bên cạnh đó, các TTC này phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu về môi trường và kỹ thuật, đáp ứng quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về TTC. Sử dụng công nghệ khép kín; kết nối đồng bộ với hệ thống thu gom, vận chuyển. Khu vực trực tiếp tiếp nhận chất thải và xe đậu chờ phải được thiết kế, xây dựng kín hoàn toàn, bảo đảm không phát tán mùi hôi, tiếng ồn, côn trùng, bụi… ra môi trường chung quanh. Tại các TTC phải lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát khu vực xe ra, vào, phân loại, lưu giữ, trung chuyển chất thải, xử lý môi trường, rửa xe… Áp dụng quản lý môi trường thông minh để phục vụ công tác giám sát thông qua hệ thống thống kê, theo dõi, cập nhật trực tuyến khối lượng, thành phần chất thải ra, vào trạm, hệ thống đo đạc trực tuyến chất lượng môi trường.

Triển khai việc chuyển các TTC chất thải rắn ra khỏi nội đô và đầu tư xây dựng các trạm này bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là quyết tâm lớn của thành phố trong việc bảo vệ môi trường bền vững, vì chất lượng sống của người dân không ngừng nâng lên…

Để giảm lượng rác thải ra môi trường và xóa bỏ các "điểm đen" về rác thải trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt trong các tầng lớp nhân dân về việc không xả rác ra đường. Các đơn vị nên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc quy định, bố trí vị trí tập kết rác. Quản lý chặt chẽ các đường dây lấy rác dân lập. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm tại quận, huyện. Nhân rộng các điển hình tập thể, cá nhân có những sáng kiến, việc làm hữu ích trong việc chung tay bảo vệ môi trường, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Ðặc biệt, phải quy trách nhiệm cụ thể đối với khu phố, ấp, phường, xã, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch và xem đó là cơ sở đánh giá thi đua cuối năm.