Tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa

Từ đầu năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh không chỉ tăng, mà nhiều thị trường mới còn được khai mở, tạo triển vọng phát triển cho nhiều ngành hàng trong nước.

Các mặt hàng dệt may Việt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Trong ảnh: Sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex.
Các mặt hàng dệt may Việt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Trong ảnh: Sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex.

Tuy vậy, để hàng hóa thâm nhập ngày càng sâu vào các thị trường nước ngoài, các DN cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm…

Số liệu thống kê của UBND thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 19,6 tỷ USD, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2018. Riêng xuất khẩu qua các cảng tại thành phố, về cơ cấu hàng xuất khẩu (trừ dầu thô), nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 77% với giá trị kim ngạch khoảng 13 tỷ USD.

Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là máy tính, sản phẩm và linh kiện điện tử với khoảng 6 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 35,6%) và tăng gần 43% so cùng kỳ 2018; giá trị xuất khẩu các mặt hàng dệt, may đạt hơn 2,6 tỷ USD. Còn các mặt hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 10,6%, đạt gần 1,8 tỷ USD.

Khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết, DN Việt Nam như được "chắp thêm cánh" để mở rộng cửa xuất khẩu. Ðánh giá cao tiềm năng xuất khẩu tại thị trường châu Âu, Chủ tịch HÐQT Công ty Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho biết, đây là thị trường cao cấp, EVFTA sẽ đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam về xuất khẩu hàng hóa với thuế suất 0%, thêm cơ hội thâm nhập và học hỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngược lại, hàng hóa từ châu Âu cũng có cơ hội thông qua Việt Nam để đi vào thị trường nhiều nước khác. "Vinamit đang xúc tiến các thủ tục tham gia hội chợ triển lãm tại Ðức được tổ chức vào tháng 9 tới đây để quảng bá nông sản sạch của Việt Nam. Chúng ta có lợi thế về thực phẩm hữu cơ, có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, cho nên giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch đến thị trường châu Âu là cơ hội mà chúng tôi không thể bỏ qua", ông Nguyễn Lâm Viên bộc bạch.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình chia sẻ, DN này đã xuất khẩu gạo tới một số thị trường EU như Thụy Sĩ, Pháp, Ðức… với sản lượng vài nghìn tấn mỗi năm, kỳ vọng EVFTA sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho ngành gạo Việt Nam nói chung và các DN xuất khẩu gạo nói riêng. "Hiện, chưa thể nói trước sản lượng xuất khẩu sang EU sẽ tăng bao nhiêu nhưng tôi nghĩ mức tăng rất đáng kể. Với DN của chúng tôi, sau khi EVFTA có hiệu lực, có thể chưa dễ dàng mở rộng xuất khẩu gạo tới một số nước mới trong khu vực, nhưng với các thị trường cũ nêu trên, sản lượng cũng sẽ tăng nhờ thuế giảm kéo theo giá giảm", ông Phạm Thái Bình lạc quan.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường EU đã tăng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tới hơn 30% nhờ sản phẩm ngày càng đáp ứng được chất lượng và phía EU có nhu cầu lớn với mặt hàng này. Với nền tảng đó, EVFTA sẽ là động lực bổ trợ để DN thủy sản trong nước xuất khẩu tốt hơn nữa sang các thị trường trong khối EU. Tương tự, với ngành dệt may trong nước, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với mức tăng trưởng hằng năm từ 7% đến 10%, chỉ đứng sau thị trường Mỹ. Khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam được hưởng rất nhiều ưu đãi từ việc giảm thuế, do vậy cơ hội sẽ nhiều hơn. Ngành da giày cũng có ưu thế rất lớn tại thị trường EU và có triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu nhờ EVFTA.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, EVFTA sẽ mở cửa thị trường cho hàng Việt Nam sang thị trường châu Âu nhưng ngược lại, cũng tạo ra thách thức, rủi ro cạnh tranh ngay trên sân nhà. Giải pháp cho các ngành hàng Việt Nam bị cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ châu Âu như thịt, sữa hay ô-tô, nông sản… chính là chất lượng rồi mới đến giá cả. "Ngành chăn nuôi, sữa phải làm sao để người tiêu dùng trong nước lựa chọn bằng chất lượng tốt, kiểm soát được nguồn gốc. Ngành ô-tô phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ðây là cuộc chơi sòng phẳng, buộc DN Việt Nam phải hội nhập, tăng chất lượng hàng hóa, đầu tư công nghệ, chuyên nghiệp hơn", ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Để hỗ trợ các DN của thành phố rộng đường xuất khẩu, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tạo thuận lợi hơn về thủ tục hải quan cho các DN. Hiện, ngành hải quan đang tích cực phối hợp các sở, ngành nhằm giải quyết nhanh, nhất là về thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Hải quan TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa từ 50 đến 70%.

Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Liêm cho hay, EU là thị trường có tiêu chuẩn cao, do đó, DN Việt Nam muốn thâm nhập sâu vào thị trường này cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện, cộng đồng DN nước ta còn e ngại các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy tắc xuất xứ. Do đó, VCCI đang tăng cường phổ biến các quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa vào EU nhằm giúp DN nắm rõ để đáp ứng các tiêu chuẩn, tạo lợi thế cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng lạc quan dự báo, xuất khẩu của DN thành phố trong năm 2019 sẽ tăng trưởng mạnh. Không chỉ được hưởng lợi về thuế suất, mà DN nội địa còn có cơ hội học hỏi, nâng cao năng lực đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính. Dẫu vậy, vẫn có không ít khó khăn trước mắt, nhất là đối với DN nhỏ và vừa. Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ Chính phủ, các ngành chức năng, chúng ta cần biến thách thức thành cơ hội cho mình...