Tái cơ cấu để nâng cao sức cạnh tranh (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tăng tốc về đích sớm

TP Hồ Chí Minh bước vào năm 2020, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với khí thế và quyết tâm chính trị mới. Toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố dồn sức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề phát triển bền vững cho những năm tiếp theo.

Gian hàng giới thiệu các thiết bị ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Gian hàng giới thiệu các thiết bị ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Chọn khâu đột phá

Mục tiêu tổng quát trong năm 2020 của TP Hồ Chí Minh là nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế gắn với tái cấu trúc theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp (DN). Tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị kiềm chế và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN). Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chăm lo đời sống nhân dân, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính…

Thành phố đặt ra 21 chỉ tiêu cơ bản trong năm nay, trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,3 đến 8,5%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 35% GRDP; thu ngân sách đạt 100% dự toán năm 2020 (405.828 tỷ đồng, tăng 1,68% so với năm 2019). Phấn đấu thành lập mới 44 nghìn DN, tạo 135 nghìn việc làm mới cho người lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,7%. Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,06 m2. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%. Chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) trong nhóm năm tỉnh, thành phố có điểm cao nhất cả nước. Phấn đấu đạt tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7%, tương ứng giảm 15.750 hộ nghèo (theo chuẩn Chương trình giảm nghèo mới của thành phố)...

Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố phấn đấu có được tập đoàn kinh tế mạnh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương trong năm nay và những năm tới. Tập trung nguồn lực hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và bốn ngành trọng điểm tiếp tục phát triển nhanh, tạo sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo động lực cho toàn ngành công nghiệp phát triển. Sở sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ vốn và đổi mới công nghệ; thu hút đầu tư lĩnh vực chế biến, chế tạo; hỗ trợ mở rộng, phát triển thị trường; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Theo Sở KH và CN thành phố, thúc đẩy hoạt động KH-CN, đổi mới, sáng tạo năm 2020 và những năm tiếp theo là nhiệm vụ cốt lõi làm tiền đề đổi mới mô hình tăng trưởng. Vì vậy, sẽ tiếp tục hoàn thiện, đa dạng hóa và phổ biến sâu, rộng các chính sách hỗ trợ phủ kín các giai đoạn, từ hoạt động nghiên cứu phát triển, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho đến khởi nghiệp sáng tạo làm đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, thúc đẩy kết nối hợp tác giữa trường, viện - DN và cộng đồng DN trên cơ sở thực hiện các chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ mục tiêu, phục vụ bốn ngành công nghiệp trọng yếu và xây dựng thành phố thông minh. Phối hợp các đơn vị liên quan thành lập hội đồng của bốn ngành công nghiệp trọng yếu trên cơ sở mô hình ba nhà: DN (nhất là DN lớn có vai trò dẫn dắt, khởi nghiệp sáng tạo); trường, viện nghiên cứu; cơ quan quản lý nhà nước để xác lập cơ chế hợp tác chặt chẽ, thường xuyên tham vấn, chia sẻ và thật sự cộng tác thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành.

Cùng với đó, hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới, sáng tạo thành phố làm hạt nhân cho hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trong tương lai, tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hỗ trợ cộng đồng DN đổi mới công nghệ, sản phẩm, dịch vụ.

Đổi mới phương thức làm việc

PGS, TS Đỗ Phú Trần Tình, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để phát triển bền vững, thành phố cần nhanh chóng trở thành trung tâm tài chính, công nghệ cao, tiêu thụ của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Cần chuyển dần các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động và xây dựng các đô thị vệ tinh chung quanh thành phố. Xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó xác định thành phố là điểm cuối tiêu thụ, sản xuất tinh chế, phát triển thương mại dịch vụ, nghiên cứu KH-CN, đổi mới, sáng tạo đóng vai trò then chốt.

TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, đề xuất: Ở mức độ phát triển hiện tại, cấu trúc đô thị và những dịch vụ tiện ích cơ bản của thành phố là chấp nhận được. Tuy nhiên, để phát triển hơn thì cần phải thay đổi chứ không thể chỉ dựa vào việc nhà ống, xe máy và kinh tế vỉa hè được phát triển và vận hành theo “chủ nghĩa thuận tiện”. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị cần đạt hiệu quả và có hiệu lực hơn chứ không thể giải quyết tình huống bằng “mô hình cầu vượt”.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhận định, hiện nay thành phố vẫn tồn tại nhiều yếu tố tiềm ẩn hạn chế tăng trưởng, như tăng trưởng đang dựa vào vốn và lao động, yếu tố năng suất còn thấp và chưa bền vững. Vì thế, thành phố cần cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, phân cấp chức năng tránh chồng chéo giữa các cấp. Cần thu hút các nguồn vốn và đầu tư có hiệu quả, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ. Trên phương diện quản lý nhà nước, thành phố cần một mô hình kinh tế có cơ cấu ngành dịch chuyển theo hướng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phân bổ nguồn lực hợp lý.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2020 sẽ rất khó khăn, nhưng không thể không làm. Càng khó khăn thì đòi hỏi cả thành phố càng phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, luôn nỗ lực đi đầu cùng cả nước, vì cả nước. Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ, giảm dần các biện pháp mệnh lệnh hành chính. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức…

--------------------------------------

(*) Xem Trang Thành phố Hồ Chí Minh từ số ra ngày 31-1-2020.