Tái cơ cấu để nâng cao sức cạnh tranh

Với quyết tâm đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2020, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, TP Hồ Chí Minh sẽ tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ (KH - CN), nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để phát triển doanh nghiệp.

Một gian hàng tại Triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghiệp trọng yếu của thành phố.
Một gian hàng tại Triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghiệp trọng yếu của thành phố.

Bài 1: Tiếp tục đà tăng trưởng

Năm 2019, kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả quan trọng, là năm thứ tư liên tiếp tăng trưởng kinh tế. Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, thành phố cần nhanh chóng tháo gỡ những rào cản gặp phải hiện nay.

Bước sang giai đoạn mới

Năm 2019, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 8,32% so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,3%; khách quốc tế đến tham quan, du lịch đạt 8,5 triệu lượt; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6% so với năm 2018. Thành phố tiếp tục đóng góp quan trọng với cả nước về thu ngân sách với số thu bình quân mỗi ngày trong năm 2019 khoảng 1.600 tỷ đồng; tổng thu ngân sách cả năm đạt 409.920 tỷ đồng, vượt kế hoạch 2,7%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỷ USD…

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cơ cấu kinh tế thành phố đang bước sang giai đoạn mới khi ngành dịch vụ chiếm đến 61,2%; nông nghiệp hiện chỉ chiếm 0,7% nhưng năng suất nông nghiệp gấp 3,3 lần cả nước; năng suất lao động gấp 2,9 lần so với năng suất lao động trung bình cả nước. KH - CN và đổi mới sáng tạo từng bước trở thành động lực chủ yếu phát triển KT-XH của thành phố khi có 36,4% số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn có hoạt động đổi mới sáng tạo. Thành phố được đánh giá là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo năng động, đóng góp hơn 50% số DN khởi nghiệp sáng tạo cũng như thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của cả nước.

Theo Sở KH và CN thành phố, trong những năm qua, thành phố tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên nền tảng mô hình kết nối ba nhà: DN; trường, viện và Nhà nước, trong đó lấy DN làm trung tâm. Nhiều hoạt động kết nối khối DN với các trường, viện được tổ chức nhằm thúc đẩy các dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển phục vụ sản xuất; hỗ trợ giới thiệu các kết quả nghiên cứu tiềm năng với cộng đồng DN và nhà đầu tư nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa. Thành phố đã hỗ trợ 44 tỉnh, thành phố về kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với mục đích hình thành mạng lưới hợp tác thúc đẩy cộng hưởng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cho cả nước.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2019, việc triển khai chủ đề "Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội" đạt nhiều kết quả tích cực. Ðề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh đã hoàn thành giai đoạn 1; tổ chức 14 cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai những giải pháp thiết thực hỗ trợ DN, nhà đầu tư tạo nền tảng xây dựng các định hướng phát triển lâu dài của thành phố trong các giai đoạn sắp tới. Mới đây, mạng lưới người nước ngoài toàn cầu đã khảo sát, bình chọn TP Hồ Chí Minh xếp thứ ba trong nhóm 30 thành phố tốt nhất thế giới để sống, làm việc và kết bạn vào năm 2020…

Tháo gỡ những rào cản

Ðạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng thực tế cũng cho thấy, nhiều vấn đề còn tồn tại mà thành phố cần phải nhanh chóng tháo gỡ. Dễ nhận diện nhất là tính liên kết giữa DN sản xuất công nghiệp các ngành, DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, các DN FDI còn hạn chế. Phần lớn DN sản xuất công nghiệp là DN vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, quy mô, chưa đầu tư nhiều vào nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản trị sản xuất, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu đến khâu hậu mãi... cho nên còn hạn chế về năng lực cạnh tranh. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn tồn tại những trở ngại, ảnh hưởng sự phát triển của DN như quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh chồng chéo, bất cập…

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao-su - nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm) có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với năm 2018 và so với tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành. Phần lớn DN sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu, hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành… dẫn đến sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa chưa cao.

TS Huỳnh Thế Du, Ðại học Fulbright Việt Nam, cho rằng, nhìn ở góc độ bộ máy quản lý và cơ chế vận hành, có các vấn đề then chốt cản trở khả năng khai thác tiềm năng và lợi thế của thành phố. Ðó là, số liệu thống kê không đủ độ tin cậy làm cơ sở cho việc hoạch định và đánh giá chính sách; công tác quy hoạch và lập kế hoạch không thể hiện được vai trò cần thiết. Hậu quả là nhiều trường hợp xử lý kém hiệu quả hoặc gây lãng phí. Ở cấp độ hoạch định chiến lược, thành phố cũng chỉ có thể đưa ra được mục tiêu hay tầm nhìn cho tương lai một cách khá chung chung. Ðây là một rào cản rất lớn khiến cho nhiều người dân khó có thể tham gia và đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển chung của thành phố…

(Còn nữa)