Rút ngắn thời gian cấp cứu bằng quy trình "Báo động đỏ"

Thành lập các nhóm phản ứng nhanh, rút ngắn thời gian cấp cứu khi có bệnh nhân nguy kịch là yêu cầu đầu tiên của quy trình "Báo động đỏ" đã được Bệnh viện Nhi Ðồng 1, TP Hồ Chí Minh áp dụng gần bốn năm nay. Việc triển khai quy trình này đã giúp bệnh viện cứu sống được nhiều ca nhập viện trong tình trạng "thập tử nhất sinh".

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Ðồng 1.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Ðồng 1.

Khi tiếp nhận những ca bệnh nguy kịch, bác sĩ trực của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Ðồng 1 sẽ lập tức phát tín hiệu "Báo động đỏ" qua điện thoại đến ê- kíp trong các bộ phận gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu.... Trong thời gian ngắn nhất, các thầy thuốc trong ê-kíp phải có mặt tại vị trí của mình. Với tinh thần "cứu người như cứu hỏa", bộ phận cấp cứu đưa ra quyết định nhanh, chính xác rồi nhanh chóng phối hợp với bộ phận phẫu thuật, gây mê, hồi sức sau mổ, ngân hàng máu,... để khẩn trương cứu chữa cho bệnh nhân.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Ðồng 1 Nguyễn Thanh Hùng cho biết: "Ðiều quan trọng khi áp dụng quy trình "Báo động đỏ" là các bác sĩ phải có những quyết định nhanh, chính xác khi thăm khám lâm sàng và cho phép bỏ qua các khâu như hội chẩn, xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh,... của quy trình cấp cứu thông thường. Bệnh nhân được chuyển từ phòng cấp cứu lên thẳng phòng mổ để phẫu thuật ngay và quy trình cấp cứu được rút ngắn từ 30 phút xuống còn chưa đầy năm phút".

Ðể thực hiện tốt quy trình này, vai trò của bộ phận cấp cứu rất quan trọng vì đó là nơi đưa ra quyết định về phương thức cứu chữa bệnh nhân sau khi chẩn đoán nhanh. Bác sĩ Ðinh Tấn Phương, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Ðồng 1, cho biết, bệnh viện đã xây dựng các tiêu chuẩn cho quy trình "Báo động đỏ". Ðó là những trường hợp chắc chắn sẽ phải mổ và bệnh nhân mất máu nặng, bị sốc và có nguyên nhân rõ ràng. Với những bệnh nhân này, thời gian cứu chữa phải tính từng giây, nếu phải chờ bác sĩ ngoại khoa hội chẩn trước khi phẫu thuật như trước đây sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Khi áp dụng quy trình "Báo động đỏ", chúng ta đã có những phản ứng kịp thời, tận dụng "cơ hội vàng" để cứu chữa cho bệnh nhân.

Trên thực tế, không ít bệnh nhân nguy kịch đã không qua khỏi khi vào tới bệnh viện vì không có phản ứng kịp thời trong cứu chữa. Bác sĩ Phương nhớ lại, có trường hợp khi vào phòng cứu cấp, bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch do bị thương nặng, sốc mất máu, hôn mê, người tím tái... Thực tình, chúng tôi cũng không đặt nhiều hy vọng khi tiếp nhận. Ðể nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân, chúng tôi thực hiện "Báo động đỏ", cả ê-kíp phối hợp mau lẹ, bệnh nhân được cứu sống nhờ được tiếp máu, cầm vết thương kịp thời.

Quy trình "Báo động đỏ" đã được Bệnh viện Nhi Ðồng 1 áp dụng từ năm 2010 theo mô hình cấp cứu tại Ô-xtrây-li-a. Ðến nay, đã có hơn 10 bệnh nhân nặng được cứu chữa nhờ áp dụng mô hình này. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, khi áp dụng quy trình "Báo động đỏ", từng bác sĩ trong ê-kíp phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc khẩn trương; đồng thời, phải phối hợp thật tốt giữa các bộ phận để rút ngắn thời gian cứu chữa ở từng khâu nhằm giành lại mạng sống cho người bệnh.