Quan tâm nhiều hơn hoạt động dinh dưỡng

Thời gian qua, hoạt động dinh dưỡng tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục được triển khai hiệu quả và sáng tạo. Các chương trình dinh dưỡng sức khỏe đã đi vào nền nếp, trở thành các hoạt động thường quy tại địa phương, từng bước nâng cao ý thức của ban, ngành, đoàn thể, nhân viên y tế và người dân về vai trò dinh dưỡng trong phòng, chống bệnh tật, cải thiện sức khỏe và tầm vóc.
Một buổi học nấu ăn tại Trung tâm dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh.
Một buổi học nấu ăn tại Trung tâm dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh.

Lớp hướng dẫn nấu ăn cho trẻ từ sáu đến 24 tháng tuổi tại Trung tâm dinh dưỡng thành phố luôn kín lịch. Trong mỗi suất dạy, các phụ huynh sẽ được hướng dẫn thành phần, thực đơn và kỹ thuật nấu một chén bột hay một chén cháo ngon phù hợp khẩu vị và dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm. Cô Nguyễn Thị Lý, quận Tân Bình cho biết: con gái cô vừa có con đầu lòng, bé được 11 tháng tuổi, đã chuyển sang chế độ ăn cháo, tuy nhiên, mẹ của bé chưa biết cách nấu cháo cho nên cô đã dẫn con mình đến lớp hướng dẫn dinh dưỡng để được học cách nấu. Không chỉ có phụ huynh ở thành phố, nhiều gia đình từ các tỉnh, thành phố lân cận, cũng đến để học cách nấu ăn bảo đảm dinh dưỡng cho con mình. Chị Phạm Thị Hồng Hoa, phụ trách lớp hướng dẫn nấu ăn, Trung tâm dinh dưỡng cho biết: Nhiều phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản nấu cháo cho mềm là được, nhưng không biết chén cháo cần có những thành phần gì, kỹ thuật thế nào để cháo dễ ăn và có đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Cho nên, khi thấy con mình ăn bình thường nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng thì họ mới đến lớp để tìm hiểu cách nấu bài bản hơn. Từ lớp học này, người dân và ngay cả những người trong ngành y sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng cung cấp cho con, cháu mình những bữa ăn đủ chất, tránh tình trạng suy dinh dưỡng hay béo phì.

Lớp học nấu ăn là một trong những chương trình hoạt động hiệu quả của Trung tâm dinh dưỡng thành phố trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng, từ đó ý thức hơn trong việc nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình. Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng thành phố, công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc triển khai hiệu quả các chương trình dinh dưỡng đến cộng đồng. Những năm gần đây, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được Trung tâm dinh dưỡng, các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện, trung tâm y tế, hội, đoàn… triển khai với nhiều hình thức, thu hút sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Nhiều sự kiện về hoạt động dinh dưỡng đã thu hút sự chú ý của xã hội như: Tổ chức truyền thông Ngày Vì dinh dưỡng, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển… Ngoài ra, còn có các chương trình truyền thông trực tiếp thông qua hình thức câu lạc bộ (CLB) dành cho nhiều đối tượng khác nhau như CLB Dinh dưỡng và Sức khỏe, CLB Gia đình nuôi dạy con tốt, CLB Nhóm trẻ gia đình, CLB Đái tháo đường… được tổ chức đã thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự. Bác sĩ Lê Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho biết: Trung tâm Y tế quận thường xuyên tổ chức tư vấn dinh dưỡng cho người dân. Cùng với việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe, Trung tâm còn đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng hoạt động dinh dưỡng trên địa bàn. Giờ đây, nhiều người dân trên địa bàn quận đã coi các buổi tư vấn dinh dưỡng là một trong những buổi sinh hoạt không thể thiếu đối với gia đình mình.

Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp, hoạt động tập huấn, chỉ đạo tuyến, phối hợp liên ngành và xã hội hóa công tác dinh dưỡng cũng đạt được những kết quả nhất định. Trung tâm Dinh dưỡng đã tổ chức bổ sung vi-ta-min A liều cao cho hơn 600 nghìn trẻ em từ sáu đến 36 tháng tuổi, hơn 12.541 trẻ dưới năm tuổi có nguy cơ thiếu Vi-ta-min A, 2.928 trẻ dưới sáu tháng tuổi không được bú mẹ và 177.347 bà mẹ sau sinh, đồng thời tổ chức cấp phát viên sắt cho phụ nữ mang thai và học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Từ các hoạt động dinh dưỡng nêu trên, Trung tâm dinh dưỡng thành phố đã thực hiện có kết quả một số chỉ tiêu chính như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới năm tuổi (năm 2017) thể nhẹ cân là 4,4% (mục tiêu dưới 6%); thể thấp còi là 6,8% (mục tiêu dưới 7%); tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới năm tuổi (năm 2017) là 11,1% (mục tiêu dưới 12%);…

Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng thành phố, một số khó khăn mà đội ngũ làm công tác dinh dưỡng đang gặp phải đó là cán bộ chương trình tại địa phương luôn thiếu hụt, thường xuyên biến động, gây khó khăn trong thực hiện các hoạt động chương trình. Sự phối hợp giữa cán bộ thực hiện hai lĩnh vực dự phòng và điều trị chưa chặt chẽ cho nên hiệu quả quản lý người bệnh đái tháo đường tại cộng đồng chưa cao. Một trở ngại khác, đó là người dân thành phố hiện nay không chỉ sử dụng muối mà còn dùng nhiều loại gia vị mặn khác để chế biến thức ăn. Tuy nhiên, hầu hết những gia vị này chưa được bổ sung i-ốt. Ngoài ra, định mức chi cho các hoạt động của chương trình còn thiếu và thấp, chưa cân xứng với tình hình thực tế; chính sách, chế độ đãi ngộ chưa thu hút nguồn nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, cho rằng: Thời gian qua, ngành y tế thành phố với các sở, ban, ngành có sự phối hợp trong việc triển khai thực hiện các chương trình dinh dưỡng. Tuy nhiên, các đơn vị phối hợp cần phát huy vai trò, có sự quan tâm đến hoạt động dinh dưỡng nhiều hơn nữa để đạt nhiều kết quả tích cực hơn, qua đó góp phần thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020 của thành phố.