Phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp chủ lực

TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn đến năm 2020. Đây được xem là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất.

Hợp tác xã Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An, huyện Bình Chánh chuyên sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hợp tác xã Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An, huyện Bình Chánh chuyên sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sản xuất nông nghiệp thành phố đang chuyển dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị với mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 5,6%. Các sản phẩm từ chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đang phát triển mạnh, góp phần quan trọng nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đến nay đạt 450 triệu đồng/ha/năm. Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đặc thù đô thị và hướng đến mục tiêu đưa giá trị sản xuất đất nông nghiệp thành phố đến năm 2020 lên 800 triệu đồng/ha, đầu năm 2019, thành phố ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND về phê duyệt đề án Chương trình OCOP trên địa bàn vùng nông thôn thành phố đến năm 2020. Trong đó, thành phố tập trung phát triển sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được xác định và lựa chọn, bao gồm: rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Phạm Thiết Hòa cho biết: “Sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực là nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố, có xu hướng phát triển ổn định, có tiềm năng mở rộng thị trường vừa là sản phẩm tiêu dùng, vừa sản xuất giống chất lượng cao cung ứng cho thành phố và các tỉnh. Trong bối cảnh thành phố đang tập trung, ưu tiên phát triển một nền nông nghiệp đô thị chất lượng cao, việc phát triển các sản phẩm chủ lực này là hướng đi mang tính chất dài hạn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là trực tiếp giúp nông dân làm giàu bền vững”.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN), nông dân, hợp tác xã (HTX) đang trực tiếp nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm chủ lực nêu trên vẫn gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là nỗi trăn trở của bà con nông dân, các HTX và DN sản xuất nông nghiệp. Qua khảo sát của ITPC, chỉ tính riêng tình hình tiêu thụ rau, củ, quả trên địa bàn thành phố qua thương lái chiếm tỷ lệ 42,2% sản lượng sản xuất, thương lái mua trực tiếp tại ruộng, sau đó vận chuyển đến các chợ đầu mối hoặc tự bán tại chợ đầu mối, chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào nhà sản xuất, tức là có gì mua đó. Nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố về rau là rất lớn, nhưng sản xuất rau tại thành phố chỉ đáp ứng 33,3% nhu cầu. Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Tủi cho rằng: “Việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng đang có những khó khăn. Tuy thành phố đang ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế rất lớn, nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cho việc canh tác ứng dụng công nghệ cao sẽ rất lớn. Các nông hộ và tổ hợp tác chỉ liên kết với nhau về kỹ thuật, chưa liên kết về mặt tiêu thụ và quản lý chất lượng sản phẩm.

Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng cho nên khó đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Mối liên kết trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, sản xuất thu mua, chế biến, tiêu thụ, phân phối hiệu quả chưa chặt, còn lỏng lẻo và bất cập”.

Ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền chia sẻ: “Chợ đầu mối Bình Điền hoạt động với hình thức mở cho nên các nguồn hàng rất dễ tiếp cận thị trường khi thông qua các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Tuy nhiên, trong thực tế, mặt hàng nông sản thực phẩm có xuất xứ từ thành phố vào chợ vẫn còn rất thấp so với quy mô sản xuất, nuôi trồng của thành phố. Thị trường thành phố là một thị trường tiêu thụ và có mạng lưới phân phối lại cho các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và xuất khẩu, cho nên phải xác định đây là một thị trường khó tính, có sức cạnh tranh và yêu cầu cao về tiêu thụ. Giá cả - chất lượng - mẫu mã vẫn giữ vai trò tiên quyết trong việc đưa hàng vào chợ Bình Điền”.

Từ những khó khăn nêu trên, việc đề ra các giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rất cần thiết và cấp bách. Một trong nhiều giải pháp mà ITPC phối hợp Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thông qua việc đưa nông dân tham gia các hội chợ, triển lãm..., giúp bà con nông dân có điều kiện quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng như giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, liên kết sản xuất. Cùng với đó, là giảm bớt các khâu trung gian tiêu thụ, giúp người sản xuất yên tâm về giá cả, giúp nhà phân phối kiểm soát được chất lượng và giá mua đầu vào. “Thời gian qua, ITPC luôn là cầu nối giúp liên kết các nhà sản xuất nông nghiệp với hệ thống các kênh phân phối lớn có uy tín. Đồng thời, ITPC tiếp tục khẳng định sự hỗ trợ tích cực đối với bà con nông dân, các HTX, DN sản xuất nông nghiệp trong việc thúc đẩy hơn nữa thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố trong thời gian tới”, ông Phạm Thiết Hòa chia sẻ.