Phát triển thị trường bán lẻ hàng hóa

Thị trường bán lẻ hàng hóa của TP Hồ Chí Minh được dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 13 đến 14% trong năm nay. Chín tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế trên địa bàn thành phố ước đạt gần 845.340 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2018…

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart, quận 9. Ảnh: QUANG QUÝ
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart, quận 9. Ảnh: QUANG QUÝ

Thị trường bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư với nhiều dự án mới về kinh doanh bán lẻ đã, đang ra đời, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh và cung ứng trong nước đưa hàng hóa vào kênh bán lẻ hiện đại.

Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, động lực để phát triển thị trường bán lẻ của thành phố đến từ hai yếu tố cốt lõi: Tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu rất cao tại một số hệ thống siêu thị điện máy. Đơn cử, hệ thống Điện máy xanh có tốc độ tăng trưởng hơn 100%; hệ thống Nguyễn Kim có tốc độ tăng trưởng 78,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Năm 2018, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố ước đạt 1.050.093 tỷ đồng, trong đó tổng mức hàng hóa bán lẻ ước đạt 673.465 tỷ đồng, chiếm hơn 20% quy mô cả nước. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, để làm nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành phân phối bán lẻ hàng hóa thì cơ sở hạ tầng đóng vai trò quyết định. Trong những năm qua, thành phố đã có những chính sách thông thoáng thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư và đã có chuyển biến rõ nét về chất và lượng, đưa thành phố trở thành địa phương có quy mô cơ sở hạ tầng dịch vụ phân phối bán lẻ hiện đại của cả nước.

Đến nay, thành phố có 213 siêu thị (chiếm 22% của cả nước), 46 trung tâm thương mại (chiếm 23% của cả nước), 236 chợ truyền thống (3% của cả nước). Ngoài ra, thành phố còn có hơn 2.400 cửa hàng bán lẻ hiện đại, được các đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam và tập đoàn bán lẻ uy tín tầm khu vực quản lý, khai thác, vận hành, đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí đa dạng, phong phú của 13 triệu dân thường xuyên lưu trú và hàng chục triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài đến thành phố hằng năm. Đây là kết quả của quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tập trung nguồn lực, đầu tư bài bản mang tính chiến lược lâu dài.

Thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động ba chợ đầu mối nông sản tại khu vực cửa ngõ, cung cấp lượng hàng hóa 9.000 tấn/ngày đêm, có vai trò kết nối trực tiếp vùng sản xuất nông nghiệp lớn của khu vực miền trung và phía nam. Cùng với hệ thống bán lẻ trên địa bàn, ba chợ đầu mối này trở thành trung tâm trung chuyển, điều phối hàng hóa cho thành phố và cả nước.

Theo đánh giá của Công ty TNHH Nielsen Việt Nam, đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường, xu hướng tiêu dùng, mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng và phát triển trong những năm tới, thu hẹp kênh mua sắm của khu vực kinh tế phi chính thức (chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa cá thể…) vì những ưu điểm vượt trội của mô hình văn minh, tiên tiến này. Thị trường bán lẻ Việt Nam có tính đặc thù khi kênh bán lẻ truyền thống tuy chiếm đến 74% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1%. Trong khi đó, kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 26% thị phần nhưng đang tăng trưởng hai con số ở mức 11,8% hằng năm. Theo dự báo, đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại trên phạm vi cả nước sẽ nâng tỷ lệ lên 45% và sẽ có khoảng 1.200 đến 1.300 siêu thị; trung tâm thương mại cũng tăng lên hơn 300 trung tâm…

Mục tiêu cơ bản trong định hướng phát triển ngành dịch vụ phân phối bán lẻ hàng hóa của thành phố đến năm 2025 - 2030 là hạn chế xây dựng chợ bán lẻ mới, chỉ thực hiện để phục vụ công tác giải tỏa, di dời các chợ hiện hữu hoặc khi có nhu cầu thật sự của nhân dân, tập trung sửa chữa, nâng cấp chợ hiện hữu, có giá trị lịch sử, văn hóa… để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán của người dân kết hợp phát triển du lịch. Hoàn thiện công năng, từng bước nâng cấp các chợ đầu mối vừa bán buôn nông sản thực phẩm, vừa làm điểm tham quan, mua sắm, du lịch của phía nam. Phát triển siêu thị vừa và nhỏ để tránh ùn tắc giao thông và trung tâm thương mại tầm khu vực Đông - Nam Á tại khu vực nội thành cũ. Phát triển đại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ ở những vị trí giao thông thuận lợi như cửa ngõ thành phố, các tuyến đường vành đai, các khu đô thị, khu thương mại ngầm, khu vực nhà ga các tuyến đường sắt đô thị (metro). Khuyến khích nâng cấp, sáp nhập cửa hàng tạp hóa vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi theo phương thức nhượng quyền kinh doanh.

Dự kiến trong giai đoạn 2019 - 2020 và định hướng đến năm 2025, thành phố phát triển mới 23 chợ, 57 siêu thị, 74 trung tâm thương mại, nâng tổng quy mô đạt 268 siêu thị, 121 trung tâm thương mại. Đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh trở thành một “trung tâm mua sắm của cả nước và khu vực” thì nguồn nhân lực phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ, bởi quá trình đào tạo, hội nhập các tiêu chuẩn khu vực, quốc tế cần có thời gian nhất định. Thực tế hiện nay do chưa có trường chuyên đào tạo nguồn nhân lực quản trị bán lẻ hiện đại nên các đơn vị bán lẻ tự mở các trung tâm, tự đào tạo các nhân viên bán lẻ nội bộ.

Song song với phát triển dịch vụ kho bãi logistics, thành phố cần cụ thể hóa hơn nữa các chính sách tạo điều kiện cho các đơn vị bán lẻ trong nước nâng cao tính cạnh tranh để vươn mình lớn mạnh…

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố lập kế hoạch triển khai thực hiện dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị trong việc chuẩn bị các đầu mối đấu nối hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, bảo đảm đồng bộ với tiến độ hoàn thành của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Theo thiết kế, Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có quy mô khoảng 45.000 m2, gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500 m2, tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng.