Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng GRDP toàn ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2020 vẫn tăng 2,06%, giá trị sản xuất tăng 2,07% so cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng.

Nhân viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao thực hiện quy trình nhân giống các loại hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Nhân viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao thực hiện quy trình nhân giống các loại hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của kinh tế thành phố nói chung và ngành nông nghiệp thành phố nói riêng. Đây cũng là năm khó khăn của ngành nông nghiệp khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, dịch tả heo (lợn) châu Phi từ cuối năm 2019. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh khiến cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp liên tục giảm, bình quân giảm hơn 800 ha/năm… Tuy nhiên, năm qua, GRDP ngành nông nghiệp đạt 10.167 tỷ đồng, tăng 2,06%; giá trị sản xuất đạt gần 23.482 tỷ đồng, tăng 2,07% so cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, giá trị sản xuất bình quân đạt 600 triệu đồng/ha/năm, tăng 9,6%; năng suất lao động ước đạt 169 triệu đồng/người/năm, tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung, giai đoạn 2016 - 2020, GRDP ngành nông nghiệp thành phố tăng bình quân 4,59%/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,62%/năm.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được kết quả khả quan, bình quân mỗi xã đạt 18,98/19 tiêu chí nâng chất (tăng 1,75 tiêu chí so cùng kỳ năm 2019). Bình quân năm huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ đạt 8,8/9 tiêu chí nâng chất (tăng ba tiêu chí so cùng kỳ năm 2019). Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp khơi thông được nguồn vốn và lao động trong dân và doanh nghiệp, hướng vào sản xuất, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ một đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (673,5 tỷ đồng), đã huy động được 20 đồng vốn xã hội (13.841,3 tỷ đồng), trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 12 đồng (8.398 tỷ đồng), huy động trong dân là tám đồng (5.443,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra trong năm 2020, có đến chín chỉ tiêu chưa đạt. Các chỉ tiêu về diện tích gieo trồng rau an toàn, chăn nuôi, thủy sản, chứng nhận VietGAP trên rau cũng không đạt. Nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ trong nước giảm mạnh nên các xí nghiệp, bếp ăn tập thể, quán ăn, trường học giảm sản lượng tiêu thụ và hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ. Ngoài ra, thành phố có chủ trương không tái đàn heo đối với các trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, chủ trương đến năm 2020 và đến năm 2025 chỉ tiêu đàn heo giảm từ 290.000 con xuống còn 200.000 con… 

Ông Đinh Minh Hiệp cho biết thêm: Mục tiêu chung ngành nông nghiệp thành phố đưa ra trong thời gian tới là thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí NTM phù hợp quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn thành phố phát triển theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao, đô thị văn minh. Cùng với đó là tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực. Các chỉ tiêu cụ thể mà ngành nông nghiệp đưa ra trong năm 2021 là: Phấn đấu tăng GRDP từ 2 đến 2,5%, giá trị sản xuất bình quân/ha, đạt 630 - 650 triệu đồng/ha; có chứng nhận VietGAP cho 76% diện tích trồng rau, 72% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, phấn đấu đưa diện tích trồng rau lên 21.150 ha; diện tích hoa, cây kiểng 2.515 ha; đàn bò sữa 56.000 con; tổng sản lượng thủy sản 63.240 tấn; cá cảnh 156 triệu con; tỷ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán 17,58%. Phấn đấu để TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ngay trong năm nay… Tạo động lực cho nông nghiệp phát triển và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, giai đoạn 2021-2025, Sở NN và PTNT thành phố tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành, cụ thể là rà soát, trình thành phố điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị. Trong đó, đề xuất tăng mức hỗ trợ các nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp (rau, hoa, cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh) từ 60%, 80% như hiện nay lên mức hỗ trợ 100% lãi vay. Tập trung hoàn thành trình thành phố phê duyệt và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch trọng điểm của ngành; triển khai các nội dung của Chương trình phát triển giống cây, giống con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030; rà soát, điều chỉnh Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp...

Để ngành nông nghiệp thành phố phát triển bền vững và đúng định hướng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị Sở NN và PTNT tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách, định hướng phát triển, tạo tiền đề, kích thích người dân tích cực đầu tư bỏ vốn sản xuất nông nghiệp. Muốn phát triển nông nghiệp của thành phố theo hướng nào thì sở phải làm rõ theo hướng đó và phải có những cơ chế, chính sách để tác động. Ngành nông nghiệp cần tập trung hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tuyên truyền để người dân hiểu hơn về đô thị hiện đại gắn với nông nghiệp công nghệ cao, NTM. Chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng phục vụ nông nghiệp như thủy lợi, công nghệ… để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.