Phát triển nguồn nhân lực rô-bốt tự động hóa

“Trong vòng 10 năm tới, Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật (VJTC) sẽ trở thành nơi đào tạo và huấn luyện về rô-bốt, tự động hóa hàng đầu khu vực Đông - Nam Á”, đó là khẳng định của TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ Đỗ Tân Khoa (người đeo kính) hướng dẫn sinh viên lập trình thao tác tự động hóa.
Thạc sĩ Đỗ Tân Khoa (người đeo kính) hướng dẫn sinh viên lập trình thao tác tự động hóa.

TS Lê Hoài Quốc cho biết, giữa tháng 6 năm nay, Khu Công nghệ cao (CNC) TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động Trung tâm VJTC (trực thuộc Trung tâm Đào tạo Khu CNC). Trung tâm này là kết quả hợp tác tích cực giữa Trung tâm Đào tạo Khu CNC với các doanh nghiệp và đối tác Nhật Bản có uy tín trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo công nghiệp rô-bốt và tự động hóa thông qua việc triển khai dự án ODA, được hỗ trợ bởi Chính phủ Nhật Bản và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Nhiệm vụ của Trung tâm VJTC là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vững về kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành tốt, nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp CNC trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Tầm nhìn của Trung tâm VJTC là phấn đấu trong 5 năm tới trở thành trung tâm đào tạo và huấn luyện về rô-bốt, tự động hóa hàng đầu của Việt Nam. 5 năm tiếp theo trở thành trung tâm đào tạo và huấn luyện rô-bốt hàng đầu ở khu vực Đông - Nam Á.

Sinh viên năm cuối Trường đại học Quốc tế Tống Nhựt Trường đang thực tập tại Trung tâm VJTC cho biết: “Ở đây có nhiều rô-bốt và công nghệ tiên tiến lần đầu em được tiếp xúc. Trước đây, em chỉ học lý thuyết, chưa được thực hành, nay vào đây được lập trình, thao tác bằng rô-bốt, tự động hóa hoàn toàn nên được bổ sung rất nhiều kiến thức. Quy mô của Trung tâm VJTC là khá lớn, có đầy đủ công nghệ tự động hóa để học viên thực hành phù hợp với thực tế mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra”.

Theo thạc sĩ Đỗ Tân Khoa (quản lý xưởng thực hành tự động hóa), hiện Trung tâm Đào tạo Khu CNC có 12 rô-bốt, trong đó có 10 rô-bốt công nghiệp và nhiều công nghệ tự động hóa hiện đại. Năm 2017, trung tâm đã đào tạo 62 học viên chuyên sâu về tự động hóa và cơ khí. Trong năm 2018, mục tiêu đặt ra là đào tạo từ 120 - 150 học viên chuyên sâu về rô-bốt tự động công nghiệp. “Xưởng thực hành tự động hóa là nơi phát triển đội ngũ chuyên gia đào tạo hệ thống rô-bốt và nâng cao năng lực của chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy rô-bốt công nghiệp. Đồng thời giúp phát triển toàn diện năng lực về rô-bốt, tự động hóa cho doanh nghiệp trong và ngoài Khu CNC thành phố, các trường đại học, cao đẳng, học viện ở thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Còn Trung tâm VJTC là nơi cung cấp những chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo đại học với nhu cầu thực tế và đa dạng của doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo này được xây dựng dựa trên sự hợp tác với doanh nghiệp, cho doanh nghiệp và vì doanh nghiệp. Ngoài ra, VJTC có nhiệm vụ xúc tiến hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp Nhật Bản cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc tăng cường kết nối và giao thương công nghệ giữa các đối tác hai nước”, thạc sĩ Đỗ Tân Khoa cho biết.

TS Lê Hoài Quốc cũng cho rằng, chuyển giao công nghệ đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội. Trung tâm VJTC có nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp FDI Nhật Bản và Việt Nam trong quá trình tuyển dụng nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng và năng suất lao động thông qua đánh giá kỹ năng nghề của người lao động theo các tiêu chuẩn Nhật Bản. Đồng thời, hỗ trợ Khu CNC, trực tiếp là Trung tâm Đào tạo Khu CNC hoàn thành sứ mệnh xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo các chuyên gia, trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần nắm bắt cơ hội để có hướng đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường lao động. Muốn làm được, các cơ sở đào tạo phải có sự thay đổi tư duy để sẵn sàng tiếp nhận những thành tựu khoa học - công nghệ, xây dựng mô hình đào tạo mở, tạo cơ hội tương tác nhiều hơn cho cả người dạy và người học. Đồng thời, gia tăng sự kết nối, chia sẻ thông tin, lợi ích cũng như trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động.

Trung tâm Đào tạo khu CNC TP Hồ Chí Minh vừa ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn NIDEC (Nhật Bản), Công ty Điện tử Mitsubishi Việt Nam, Công ty cổ phần Tự động hóa Tân Phát, Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh về việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực rô-bốt và tự động hóa.