Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển nhất nước, bình quân đóng góp hơn 30% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thành phố chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho ngành công nghiệp phát triển bền vững.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Sản xuất nhựa Duy Tân.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Sản xuất nhựa Duy Tân.

Hàng loạt các hạn chế được các chuyên gia nêu ra, đó là phần lớn nguyên, vật liệu, thiết bị và công nghệ phải nhập khẩu; các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn yếu trong việc tham gia tích cực chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu có chủ yếu tham gia ở những công đoạn với công nghệ giản đơn, giá trị gia tăng thấp... Tồn tại nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn doanh nghiệp (DN) CNHT có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật công nghệ còn lạc hậu… dẫn đến khó mở rộng sản xuất, nâng cấp trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, chính sách thúc đẩy CNHT chưa đáp ứng được nhu cầu của DN cho nên chưa phát huy tối đa để phát triển ngành CNHT. Nhận thức về CNHT ở các khâu hoạch định, thực thi chính sách và triển khai các chương trình hỗ trợ còn chưa thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước, hội ngành nghề và cộng đồng DN cũng là một rào cản.

Ðể tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy ngành CNHT, thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các DN. Cụ thể, thành phố phê duyệt 15 dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp, CNHT cho các DN tham gia Chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 50/2015/QÐ-UBND với tổng vốn đầu tư hơn 938 tỷ đồng, trong đó tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là hơn 584 tỷ đồng. Tiếp đó, thành phố ban hành Quyết định số 15/2017/QÐ-UBND nhằm hỗ trợ các DN công nghiệp, CNHT. Từ quyết định này, Tổ liên ngành thành phố (đầu mối là Sở Công thương) đã tiếp nhận 11 hồ sơ dự án, xem xét thẩm định chín dự án phù hợp cho các DNNVV, với tổng vốn đầu tư hơn 943 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều DN đã mở rộng đầu tư, mua máy móc mới, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm linh kiện cho các tập đoàn, DN FDI trên địa bàn.

Theo đại diện Công ty cổ phần Sản xuất nhựa Duy Tân, đây là một trong 30 DN chủ lực của TP Hồ Chí Minh năm 2018, trong đó có sản xuất khuôn chính xác thuộc lĩnh vực CNHT tại xưởng Cơ khí mẫu và chế tạo máy với diện tích 5.000 m2 tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân. Có sản phẩm được chọn là một trong những sản phẩm chủ lực của thành phố là động lực để Duy Tân gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Công ty là một trong những đơn vị được hưởng chương trình kích cầu của thành phố đối với ngành CNHT theo Quyết định số 15/2017/QÐ-UBND.

Các DN hoạt động ở lĩnh vực CNHT cho rằng, các giải pháp phát triển CNHT đã được thành phố điều chỉnh ngày càng thiết thực, phù hợp thực tiễn, nhất là cho DNNVV. Trong đó, Sở Công thương thành phố thường tổ chức các hoạt động hỗ trợ và đồng hành cùng DN CNHT. Ðây được xem là một trong những giải pháp cụ thể và mang tính chiến lược dài hạn để kết nối cung - cầu về sản phẩm nhằm tạo điều kiện tiếp cận và có đầy đủ thông tin nhu cầu cung ứng, hỗ trợ các DN sản xuất CNHT. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang tích cực xây dựng và triển khai Ðề án Phát triển CNHT trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Trong đó, tập trung xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư cho phát triển CNHT nhằm giảm nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm gia công, lắp ráp. Song song đó, thành phố cũng đẩy mạnh và triển khai quy hoạch và xây dựng phân khu CNHT trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2), huyện Nhà Bè và phân khu CNHT trong Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời, thành lập cổng cơ sở dữ liệu về CNHT và Trung tâm Trưng bày sản phẩm CNHT làm nơi giao dịch cho DN CNHT trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT (Sở Công thương TP Hồ Chí Minh) Lê Nguyễn Duy Oanh cho biết: "Một trong những nhiệm vụ mà Sở Công thương giao cho trung tâm trong việc đồng hành với DN là làm sao tăng cường được tính liên kết giữa các DN CNHT với các tập đoàn, DN FDI. Do đó, Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc kết nối theo chương trình phát triển nhà cung cấp đầu tiên. Chương trình gồm các hội nghị kết nối giao thương giữa hàng trăm DN thành phố với các DN đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Qua đó, DN FDI sẽ chọn ra các nhà cung ứng tiềm năng để tiến hành khảo sát và hướng tới hợp tác".

Bà Oanh cho biết thêm, qua quá trình liên kết, chúng ta cũng thấy được năng lực cung ứng của các DN CNHT còn khoảng cách lớn. Vì vậy, các DN phải tổ chức bộ máy tinh gọn, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bồi dưỡng và nâng cao nguồn nhân lực.

Ðể khắc phục những nhược điểm này, trung tâm phối hợp chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và các đối tác khác để phát triển DN bền vững trong lĩnh vực CNHT. Từ năm 2018 đến 2020, Bộ Công thương có dự án phát triển nhà cung cấp nội địa, trong đó có sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu dự án là chọn ra 45 DN sản xuất CNHT của Việt Nam, trong đó có các DN CNHT của thành phố để trong hai năm cùng với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia cấu trúc lại, cũng như xây dựng chiến lược dài hạn để các DN này cung cấp sản phẩm CNHT trong lĩnh vực điện tử và ô-tô.