Phát triển hợp tác xã nông nghiệp

TP Hồ Chí Minh xác định phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là một trong những tiền đề quan trọng để nâng cao đời sống người dân ở vùng nông thôn. Để thực hiện được điều này, bên cạnh các chính sách hiện hành, thành phố tăng cường cơ chế khuyến khích để nông dân tham gia liên kết làm ăn theo mô hình hợp tác.

Hoạt động sản xuất rau an toàn tại HTX nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Phú Lộc, huyện Củ Chi.
Hoạt động sản xuất rau an toàn tại HTX nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Phú Lộc, huyện Củ Chi.

Năm 2006, HTX nông nghiệp - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An (HTX Phước An) được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ các tổ hợp tác sản xuất rau tại hai xã Tân Quý Tây và Hưng Long (huyện Bình Chánh). Nhờ chú trọng sản xuất sản phẩm an toàn, chủ động liên kết tìm đầu ra, nhất là xây dựng thành công chuỗi nông sản rau sạch, đến nay HTX Phước An được xem là một trong những mô hình kinh tế hợp tác sản xuất rau an toàn tiêu biểu tại thành phố. Giám đốc HTX Phước An Trần Văn Thích cho biết: Với 62 thành viên, HTX Phước An đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đối tác và vận động, tổ chức các thành viên, các hộ vệ tinh sản xuất theo quy trình VietGAP. Tổng diện tích sản xuất của HTX là 29 ha, trong đó diện tích được chứng nhận VietGAP là 20 ha. HTX Phước An là một trong hai HTX tiên phong trong việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, giúp HTX dễ dàng kiểm soát, cũng như khuyến khích các thành viên bảo đảm được sản phẩm của HTX đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tất cả thành viên HTX đã tự ghi chép được nhật ký đồng ruộng, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các khách hàng. Sản phẩm rau an toàn của các thành viên được HTX ký hợp đồng thu mua cố định có lãi 30% so với giá thành sản xuất. Nếu giá thị trường thấp hơn, HTX vẫn mua sản phẩm rau an toàn của các thành viên như đã thỏa thuận. Ngoài việc thu mua sản phẩm cho các hộ thành viên, HTX còn thu mua các sản phẩm rau cho các hộ vệ tinh. Chính nhờ xây dựng được chuỗi nông sản rau sạch, sản phẩm của HTX Phước An đã thâm nhập vào các hệ thống siêu thị có uy tín như: Co.opmart, BigC, Lotte... Cùng với đó, đơn vị này còn cung cấp một số sản phẩm rau sạch cho một số đơn vị xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, các công ty cung cấp thực phẩm, trường học, bệnh viện… với sản lượng 150 tấn rau sạch mỗi tháng.

Nắm bắt được nhu cầu, cũng như sự quan tâm của người dân về chất lượng của rau an toàn, HTX nông nghiệp - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước Bình (HTX Phước Bình), huyện Bình Chánh đã lựa chọn quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, nguồn nước tưới đến việc sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu đúng quy định, không gây hại cho sức khỏe con người… Hiện, HTX Phước Bình đang thu mua sản phẩm rau của 30 hộ sản xuất, trong đó có chín hộ thành viên, 22 hộ vệ tinh. Quy mô sản xuất của HTX hơn 12 ha đất trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP đạt doanh số hơn 13 tỷ đồng một năm, giải quyết việc làm cho 26 lao động, thu nhập bình quân hơn sáu triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của HTX Phước Bình đang cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn thành phố và các bếp ăn tập thể… với số lượng trung bình bảy tấn/ngày.

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp, như hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi về lãi suất... Qua đó, đã có tác động nhất định đến việc đổi mới, phát triển HTX nông nghiệp. Một số HTX, tổ hợp tác nông nghiệp đã nhanh nhạy nắm lấy cơ hội, phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển. Tính đến cuối năm 2019, thành phố có 107 HTX nông nghiệp (tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2018) với tổng số thành viên là 2.389 người (bình quân 23 thành viên một HTX). Tổng vốn điều lệ 382,8 tỷ đồng với 107 HTX, bình quân 3,5 tỷ đồng/HTX. Ngoài ra, thành phố có 294 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 3.750 tổ viên (bình quân 13 người/tổ hợp tác). Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, tuy chất lượng hoạt động, kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có tăng lên, thu nhập mang lại cho xã viên ngày càng ổn định theo hướng bền vững, nhưng nhìn chung kinh tế hợp tác trong thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như kế hoạch đề ra. Một trong những hạn chế lớn nhất là thiếu nhân lực có tâm huyết đối với hoạt động của HTX, việc đầu tư xây dựng nhà sơ chế của các HTX được UBND huyện lựa chọn xây dựng mô hình HTX tiên tiến, hiện đại còn gặp khó khăn trong vấn đề cấp phép xây dựng...

Để phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, thành phố phấn đấu đến cuối năm nay xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong đó lấy mô hình hợp tác làm nòng cốt. Đồng thời, xây dựng chiến lược tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của thành phố, như: rau, hoa, heo, bò sữa, bò thịt, thủy sản… theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, công ty, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra. Đến hết năm 2020, 100% số xã nông thôn mới có HTX hoạt động trên địa bàn và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững. Thực hiện mục tiêu này, thành phố khuyến khích các hộ nông dân tham gia vào HTX nông nghiệp trở thành thành viên của HTX. Song song đó, thành phố sẽ xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm nông nghiệp theo mô hình: Hộ nông dân - HTX - doanh nghiệp, trong đó, hộ nông dân là chủ đất, tham gia liên kết với nhau thành lập HTX và góp vốn vào HTX. HTX là đầu mối đảm nhận tổ chức sản xuất hoặc dịch vụ. Còn doanh nghiệp sẽ đảm nhận vai trò tìm kiếm thị trường tiêu thụ, phân phối sản phẩm của HTX đến người tiêu dùng.