Phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ

Cuối tháng 12-2019, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã công bố Dự thảo (lần 1) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025, để các tầng lớp nhân dân góp ý, hiến kế. Quan điểm, mong muốn chung của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh là làm sao người dân cảm thấy được hạnh phúc.

TP Hồ Chí Minh cần huy động nhiều nguồn lực để phát triển các công trình giao thông trọng điểm. Trong ảnh: Cầu Thủ Thiêm nối liền trung tâm với phía đông thành phố.
TP Hồ Chí Minh cần huy động nhiều nguồn lực để phát triển các công trình giao thông trọng điểm. Trong ảnh: Cầu Thủ Thiêm nối liền trung tâm với phía đông thành phố.

Tiếp tục xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm trong 5 năm tới và dài hơn, Dự thảo Báo cáo chính trị (lần 1) của Thành ủy TP Hồ Chí Minh đưa ra ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm (gọi là bốn chương trình phát triển TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030) để phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới. Ðó là, Chương trình đột phá đổi mới quản lý TP Hồ Chí Minh; Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP Hồ Chí Minh và Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP Hồ Chí Minh. Còn Chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP Hồ Chí Minh. Trong mỗi chương trình đột phá và chương trình trọng điểm đều có nhiều đề án cụ thể.

Dự thảo Báo cáo chính trị (lần 1) của Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đề ra 24 chỉ tiêu phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm khoảng 8,5% (nhiệm kỳ trước đặt ra chỉ tiêu 8% đến 8,5%); tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP (tăng 5% so nhiệm kỳ trước); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.

TP Hồ Chí Minh phấn đấu nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt từ 95% trở lên. Tất cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. Quan điểm, mong muốn chung của Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh là nhân dân phải cảm thấy hạnh phúc. Sự hạnh phúc, hài lòng của nhân dân là thước đo cho sự lãnh đạo của Ðảng. Thành phố phải hướng kết quả của mình vào sự đánh giá của nhân dân chứ không phải tự đánh giá, phải có ý kiến của người dân và người dân sẽ hạnh phúc...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, "điểm nghẽn" lớn nhất kìm hãm tốc độ tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh thời gian qua là vấn đề hạ tầng.
Do vậy, một chương trình tổng thể đột phá về hạ tầng sẽ tạo động lực để thành phố phát triển bứt phá.

Ðể làm được điều này, thành phố sẽ phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Giải pháp là đẩy mạnh chỉnh trang các khu nhà lụp xụp, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới như khu đô thị Thủ Thiêm; khu đô thị Nam thành phố; khu đô thị Tây Bắc; khu đô thị Bình Quới - Thanh Ða và khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Thành phố cũng đưa ra các giải pháp chống ngập nhưng điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước kết hợp quy hoạch thủy lợi chống ngập úng phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch xây dựng. Thành phố tiếp tục mời gọi các nguồn lực xã hội tham gia triển khai các giải pháp xóa, giảm ngập; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có những giải pháp chống ngập phù hợp.

Còn với việc giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, TP Hồ Chí Minh đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, trong đó có việc xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực; kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, nhất là đầu tư phát triển giao thông liên vùng; khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt về phía tây, phát triển các đường vành đai; kiểm soát sử dụng xe cá nhân... Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, liên kết vùng trong phát triển hạ tầng sẽ góp phần giảm kẹt xe, bảo đảm an toàn giao thông, từ đó sẽ làm giãn dân ra các vùng ven, giúp các tỉnh, thành phố khác có điều kiện liên kết với TP Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế. Ðồng thời, các tuyến đường hướng tâm cũng cần được chú trọng để kết hợp với tuyến đường vành đai mới mang lại hiệu quả thiết thực. TP Hồ Chí Minh cũng cần phải đẩy mạnh phát triển các công trình giao thông công cộng như xe buýt, metro để hạn chế phương tiện cá nhân. Cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan của thành phố để tham mưu hiệu quả cho sự phát triển đồng bộ…

Thành ủy TP Hồ Chí Minh đang cầu thị, trân trọng đón nhận những ý kiến đóng góp của nhân dân thành phố, của cán bộ, đảng viên cho Dự thảo (lần 1) Báo cáo chính trị Ðại hội đại biểu TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025. Với người dân TP Hồ Chí Minh, việc đóng góp những ý kiến tâm huyết, hiến kế những giải pháp khả thi chính là cách vun bồi cho hạnh phúc của chính mình.