Phát huy tinh thần chủ động phòng, chống dịch

Những ca mắc Covid-19 đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau khi dịch bệnh xuất hiện trở lại tại Ðà Nẵng và một số tỉnh khác trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố đã nhanh chóng đưa ra những giải pháp để tăng cường phòng, chống dịch, trong đó nêu cao tính chủ động của mỗi đơn vị và người dân.

Bệnh viện dã chiến Củ Chi sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19.
Bệnh viện dã chiến Củ Chi sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19.

Ngay từ khi Ðà Nẵng có hai ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, thành phố đã ra thông báo nhằm kiểm soát dòng người từ Ðà Nẵng trở về thành phố từ ngày 1-7. Thành phố đã tổ chức hoạt động kiểm dịch y tế tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga xe lửa đối với chuyến bay, chuyến tàu đến từ Ðà Nẵng bao gồm khai báo y tế đầy đủ, đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe hành khách. Nếu phát hiện có yếu tố dịch tễ liên quan ca bệnh của Ðà Nẵng, hành khách sẽ được cách ly tập trung và xét nghiệm kiểm tra, cùng với việc giám sát chặt chẽ các tổ bay quốc tế. Theo báo cáo của Sở  Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 1-8, thành phố có 26.609 người rời khỏi Ðà Nẵng từ 1-7 đã khai báo y tế, 16.473 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 2.388 mẫu có kết quả âm tính. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Việc kiểm soát tốt lượng du khách về trong tháng 7 là rất quan trọng nhằm xác định sớm những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh để có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời. Chính vì thế, sự chủ động của các trung tâm y tế quận, huyện, cũng như sự chủ động, tự giác của người dân sẽ giúp thành phố sàng lọc tốt từng trường hợp cụ thể.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận 11 Hứa Khắc Sương Linh chia sẻ, khi nhận được chỉ đạo của HCDC về điều tra những người dân tiếp xúc với người bệnh thứ 420 nhiễm Covid-19, trung tâm đã đến chung cư Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 để điều tra dịch tễ. Việc sớm điều tra, xác minh những ca F1, F2 đã giúp cho quận chủ động đưa những người tiếp xúc người bệnh đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Còn tại quận 10, khi có chỉ đạo của thành phố lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả người dân rời Ðà Nẵng từ 1-7 đang sinh sống trên địa bàn, quận 10 đã nhanh chóng tiến hành triển khai công việc tại khu cách ly tập trung của quận. Ðể tránh tập trung đông người, quận đã thông báo người dân đến liên hệ tại trung tâm y tế để được sắp xếp và thông báo thời gian lấy mẫu xét nghiệm. Phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm đề nghị các sở, ngành, quận, huyện theo dõi sát diễn biến dịch, tiếp tục thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch một cách chủ động. Các quận, huyện phải rà soát, kiểm tra “đi từng ngõ, gõ từng nhà” xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Ðà Nẵng từ ngày 1-7 để áp dụng khai báo y tế, góp phần không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Cùng với giải pháp tăng cường kiểm soát dòng người từ Ðà Nẵng về, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố đã đồng loạt kích hoạt toàn bộ hệ thống khám, chữa bệnh, sẵn sàng ứng phó diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nhiều bệnh viện đã tiếp tục tăng cường các giải pháp kiểm soát lây nhiễm, tăng cường tầm soát và chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người bệnh và nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly kịp thời. Ngay khi thành phố kích hoạt hệ thống khám, chữa bệnh ứng phó dịch Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã triển khai “Buồng cấp cứu sàng lọc Covid-19” tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện, bên cạnh phòng khám sàng lọc. Dù đặt tại Khoa Cấp cứu, nhưng Buồng cấp cứu sàng lọc Covid-19 của bệnh viện không phải tách biệt hẳn không gian và nhân viên trực tại vị trí này. Người dân đến bệnh viện đều có nhân viên hướng dẫn từng bước để kiểm soát dịch bệnh như khai báo y tế bằng phần mềm của bệnh viện tự xây dựng, rửa tay sát khuẩn… Nhằm tăng tính chủ động ứng phó với dịch bệnh, Sở Y tế cũng đã kích hoạt lại hoạt động đối với Bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 Cần Giờ, bên cạnh Bệnh viện dã chiến Củ Chi luôn sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh.

Là bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn chủ động trong việc kiểm soát dịch Covid-19 đối với tất cả người dân đến đây. Ngoài việc hỗ trợ các địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã yêu cầu toàn thể nhân viên bệnh viện tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác cao độ, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, nhất là những trường hợp đi về từ vùng dịch; tiếp tục chấp hành tuyệt đối các biện pháp phòng, chống lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc với người bệnh, người nhà của người bệnh. Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện khai báo y tế cho tất cả những người đến bệnh viện, thực hiện đo thân nhiệt và rửa tay tại các cổng ra vào của bệnh viện; không để tập trung đông người tại các khu vực trong khuôn viên bệnh viện. Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành thực hiện phun khử khuẩn các khu vực tại bệnh viện, khử khuẩn xe cứu thương chuyển bệnh trước và sau khi chuyển bệnh.

Trước diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đang bước qua cấp dịch bệnh mới với tốc độ lây lan cao. Do đó, vì an toàn xã hội, mỗi người cần kiềm chế các nhu cầu cá nhân để phòng dịch hiệu quả. Ðồng chí cũng lưu ý tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cho rằng đây là mối nguy cơ cao. Mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện, thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. “Xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh tại thành phố là từ đâu, thì mới có các giải pháp hiệu quả. Vì thế, phương châm phòng, chống dịch trong giai đoạn này phải là phòng dịch sớm - phát hiện kịp thời - cách ly triệt để”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.