Phát huy nguồn lực kiều bào để xây dựng thành phố

Kiều bào ở nhiều nước trên thế giới vừa có dịp họp mặt cùng nhau tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày cả nước đang rộn ràng đón Xuân Canh Tý 2020. Không chỉ tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, đậm bản sắc Việt Nam, bà con kiều bào còn hiến kế, đóng góp những ý kiến tâm huyết với lãnh đạo thành phố để góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh ngày thêm phát triển…

Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh gặp gỡ, trao đổi với kiều bào.
Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh gặp gỡ, trao đổi với kiều bào.

Nhiều lần về nước, Giáo sư Ðặng Lương Mô (Ðại học Hosei, Tô-ki-ô, Nhật Bản), Cố vấn Giám đốc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng thành phố thông minh tại TP Hồ Chí Minh. Trong lần họp mặt kiều bào năm nay, Giáo sư Ðặng Lương Mô tiếp tục đưa ra những ý kiến tâm huyết của mình nhằm góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại đô thị đặc biệt này.

Là kiều bào có 40 năm sinh sống, làm việc ở Nhật Bản, Giáo sư Ðặng Lương Mô cho biết, Nhật Bản nói chung và thành phố Tô-ki-ô nói riêng cũng từng trải qua những vấn đề mà TP Hồ Chí Minh đang gặp phải. Ðó là nhà cửa lụp xụp, đường phố chưa được chỉnh trang, ùn tắc giao thông, úng ngập, bệnh viện quá tải… Nhưng những vấn đề đó Nhật Bản và thành phố Tô-ki-ô đã giải quyết một lần dứt điểm. Ðối với TP Hồ Chí Minh, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, thành phố phải có thêm những bãi đậu xe ô-tô trong nội ô bằng cách khuyến khích xây dựng và kinh doanh những bãi đậu xe lập thể. “Nghĩa là thành phố phải xây dựng những căn nhà ống trên diện tích khoảng 100 m2, chiều cao khoảng 20 m thì có thể chứa khoảng 100 xe ô-tô cỡ 7 chỗ ngồi. Toàn bộ hệ thống điều khiển cho xe vào ra được tự động hóa nên chỉ cần một, hai người quản lý. Một khu phố như đường Nguyễn Huệ chỉ cần một bãi đậu xe như thế thì có thể giải quyết tình trạng xe ô-tô đậu bên lề đường làm cản trở giao thông”, Giáo sư Ðặng Lương Mô chia sẻ.

Cùng đóng góp về vấn đề quy hoạch đô thị, Tiến sĩ Khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, kiều bào Ca-na-đa, đã góp ý với thành phố trong việc định hướng lại phát triển nhà cao tầng theo nguyên tắc quy hoạch bền vững. Theo ông, ở các đô thị tiên tiến, nhà cao tầng luôn phát triển đi đôi với giao thông công cộng. Ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, hiện nay, nhà cao tầng thường phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch, chưa tạo thành cụm và tuyến gắn kết tốt với giao thông công cộng. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, phát triển đúng cách nhà cao tầng có những nguyên tắc cơ bản. Ðầu tiên, những dự án nhà cao tầng mới cần phát triển đi đôi với giao thông công cộng và với không gian xanh mặt nước thân thiện cho người đi bộ. Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải được xây dựng trước một bước, trước khi cấp phép xây dựng nhà cao tầng. Thứ ba, cần chú ý đến việc bảo vệ những khu vực có công trình lịch sử, di sản trước áp lực phá bỏ để cao tầng hóa. Một vấn đề nữa đó là cần đánh giá tác động môi trường chung quanh của các dự án cao ốc trước khi cấp phép.

“Nhà cao tầng đúng là con dao hai lưỡi. Nó chỉ có thể làm tăng giá trị đô thị nếu đặt đúng chỗ, được quy hoạch và xây dựng đúng cách, nếu không lại trở thành nguyên nhân hàng đầu cho việc phá hỏng chất lượng sống đô thị, tạo gánh nặng mới cho ngân sách thành phố khi phải xử lý những bất cập”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Là người quan tâm đến vấn đề môi trường tại TP Hồ Chí Minh, ông Ða-vít Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ cũng gửi đến nhiều ý kiến tâm huyết với lãnh đạo thành phố về vấn đề cải thiện môi trường ô nhiễm. Theo ông, TP Hồ Chí Minh cần có những trạm trung chuyển khép kín tập trung các thùng xe tải ép rác tự động để dễ dàng vận chuyển rác, không gây ảnh hưởng mùi và không làm rác ứ đọng, rơi vãi từ các xe ba-gác thu gom, vận chuyển rác. Thành phố cũng cần xây dựng hệ thống thùng rác công cộng thông minh để người dân có đủ phương tiện bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ, giúp cho việc thu gom rác được thực hiện gọn gàng và phù hợp với mỹ quan thành phố…

Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng cho biết, Ủy ban luôn nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, đại diện hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài gửi về đóng góp xây dựng thành phố. Trong đó, nhiều ý kiến đã được thành phố triển khai ngay như ý kiến về kết nối Trường Chính sách công Lý Quang Diệu với Học viện cán bộ TP Hồ Chí Minh của Giáo sư Vũ Minh Khương, kiều bào Xin-ga-po; hay ý kiến tham gia góp ý Ðề án “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2020- 2030 trên địa bàn thành phố” của ông Ðan-ni Võ, kiều bào Xin-ga-po…

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các ý kiến của bà con kiều bào đối với sự phát triển của thành phố rất đáng trân trọng. Lãnh đạo thành phố cam kết tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của các kiều bào để tiếp tục xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Từ những ý kiến tâm huyết ấy, càng khẳng định rõ nét hơn: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn động lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước…