Phấn đấu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực

Những năm qua, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Thành tựu của lĩnh vực y tế đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung với mục tiêu xây dựng thành phố ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thực hiện phẫu thuật bằng rô-bốt tại Bệnh viện Bình Dân.
Thực hiện phẫu thuật bằng rô-bốt tại Bệnh viện Bình Dân.

Trong đợt bùng phát thứ ba của dịch Covid-19, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có gần hai tuần không có ca nhiễm trong cộng đồng. Kết quả đó là nhờ sự truy vết, xét nghiệm thần tốc của ngành y tế cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân với quyết tâm sớm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 đến thời điểm này cũng là minh chứng cho thấy ngành y tế thành phố đã có bước phát triển nhiều mặt, nhất là về chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
 
 Cùng với phòng, chống dịch Covid-19, nhiều năm qua, ngành y tế thành phố cũng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa như sốt xuất huyết; tay, chân, miệng; sởi... Sở Y tế chủ động tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng kế hoạch, giải pháp can thiệp phù hợp để nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Công tác giám sát và can thiệp được xuyên suốt đến từng khu phố, ấp, gắn kết chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng, bảo đảm thông tin kịp thời ca bệnh nhập viện hằng ngày đến từng địa phương để giám sát kịp thời tình hình dịch bệnh.
 
 Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, năng lực khám, chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở đã được nâng lên, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo niềm tin và thu hút người dân đến với tuyến y tế cơ sở. Số lượt khám ngoại trú và số lượt điều trị nội trú tăng dần, bình quân số lượt người bệnh đến các cơ sở y tế khám bệnh đạt 40 triệu lượt/năm (chiếm hơn một phần tư số lượt khám so cả nước); số người bệnh điều trị nội trú đạt hai triệu lượt/năm (hơn một phần mười số lượt điều trị nội trú so cả nước). Thành phố đã phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn theo định hướng phát triển chuyên khoa sâu tại các bệnh viện thành phố, tuyến cuối của thành phố và khu vực phía nam. Chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ của nhân viên y tế được cải thiện rõ rệt.
 
 Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, thời gian qua, thành phố đã đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, từng bước tạo dựng niềm tin, thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu và được quản lý sức khỏe tại trạm y tế. Ngành y tế thành phố triển khai mô hình khoa vệ tinh của bệnh viện thành phố đặt tại bệnh viện quận, huyện; mô hình hỗ trợ toàn diện của bệnh viện thành phố cho các bệnh viện quận, huyện còn hạn chế năng lực nhằm nâng cao năng lực các bệnh viện quận, huyện trở thành tuyến tiếp nhận điều trị đầu tiên. Số lượt khám, chữa bệnh của bệnh viện quận, huyện tăng rõ rệt qua các năm, góp phần giảm tải cho các bệnh viện thành phố.
 
 Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố đã đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện của Trung tâm Cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp, hình thành mạng lưới với 31 trạm cấp cứu vệ tinh bao phủ toàn thành phố. Sáng tạo “Quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện” đã phát huy hiệu quả trong cấp cứu người bệnh nguy kịch. Mô hình thí điểm sáng tạo kỹ thuật cấp cứu ngoại viện bằng xe hai bánh cơ động bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, nhiều kỹ thuật cao ngang tầm các nước trong khu vực đã được triển khai hiệu quả tại nhiều bệnh viện của thành phố, tạo niềm tin cho người dân. Nguồn nhân lực y tế phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý bệnh viện, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh được đẩy mạnh, khởi đầu cho việc xây dựng y tế “thông minh”…
 
 Nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, ngành y tế thành phố đã đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng trong 5 năm tới. Theo đó, tập trung phát triển y tế cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm và các chương trình mục tiêu y tế - dân số; nâng cao năng lực y tế cơ sở; hoàn thiện mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện; phát triển y học cổ truyền…
 
 Với thực tế năng lực hiện có, TP Hồ Chí Minh phấn đấu hình thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực phía nam và khu vực Đông - Nam Á. Tập trung phát triển kỹ thuật chuyên sâu của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, hình thành trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao. Chú trọng phát triển du lịch y tế thu hút khách trong nước và nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh kết hợp du lịch và khám, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất số người dân ra nước ngoài để khám, chữa bệnh.
 
 Thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố bảo đảm đạt chuẩn quốc tế. Đầu tư các trang thiết bị tương ứng việc triển khai các kỹ thuật chuyên sâu tại từng bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên theo tiêu chuẩn quốc tế…
 
 Phát huy những thành tựu đạt được trong những năm qua, ngành y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tính tự chủ, năng động sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất để thực hiện đạt kết quả cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn mới, xứng đáng với kỳ vọng của lãnh đạo và người dân thành phố.