Ổn định thị trường hàng hóa dịp Tết

Nhờ chuẩn bị kỹ càng từ khâu sản xuất, trữ hàng, phân phối, mạng lưới tiêu thụ đã giúp cho thị trường hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh diễn ra trong yên bình và đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng.

Siêu thị Co.op Mart, địa điểm mua sắm của người dân thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Siêu thị Co.op Mart, địa điểm mua sắm của người dân thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Thị trường Tết Canh Tý không tăng giá đột biến

Theo ghi nhận nhanh của các cơ quan quản lý, mùa kinh doanh cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý ở TP Hồ Chí Minh, sức mua tăng bình quân từ 10 đến 15% so với cùng kỳ. Hàng hóa phục vụ Tết các doanh nghiệp cung ứng đa dạng, phong phú, mẫu mã, chất lượng được nâng cao, giá bán tương đối ổn định. Tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố, mùa mua sắm Tết hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng từ 20 đến 30%; các chợ truyền thống sức mua tăng 30 đến 40% so với ngày thường.

Do Tết Nguyên đán Canh Tý đến sớm, nhiều siêu thị và doanh nghiệp sản xuất đã đạt kế hoạch doanh thu hơn 70% vào thời điểm ngày 23 tháng Chạp. Bước vào ngày cuối cùng của năm, lượng người đến siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đông nghịt người, nhiều điểm kinh doanh khách hàng phải chờ hàng giờ mới tính được tiền.

Trước Tết, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp khá lo lắng về khả năng khan hàng sốt giá đối với mặt hàng thịt heo song những ngày cao điểm mua sắm Tết sức mua và giá thịt vẫn giữ ổn định. Trong các ngày 28 và 29 tháng Chạp, tại các siêu thị, mặt hàng thịt heo số lượng dồi dào, sức mua không tăng cao, vì vậy thịt heo đã được giảm giá 10 đến 20% so với những ngày trước đó. Tại các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, lượng thịt heo về tăng mạnh nhưng giá không tăng như dự tính. Tại chợ Hóc Môn, những ngày cao điểm, lượng thịt heo về chợ đạt 600 đến 622 tấn/đêm, tăng 68% so với ngày thường, giá nhìn chung ổn định, một số mặt hàng có tăng giá nhưng mức tăng rất ít so với những ngày trước đó. Tại chợ đầu mối Bình Điền, các mặt hàng thủy hải sản và trái cây các loại khá ổn định, thậm chí một số mặt hàng giá bán giảm 10 đến 40% so với dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Các mặt hàng trái cây, hoa tươi, ngoại trừ hoa chất lượng cao và các loại trái cây chưng Tết, các mặt hàng còn lại sức tiêu thụ thấp, nhiều mặt hàng thậm chí còn không tiêu thụ được. Trong ba ngày cuối, hoa tươi cao cấp và trái cây chưng Tết giá bán tăng gấp hai, ba lần so với ngày thường, cụ thể, hoa lan hồ điệp giá 200 nghìn đến 250 nghìn đồng/cây; hoa ly giá 350 nghìn đến 500 nghìn đồng/bó loại 5 cành/bó, hoa lay ơn 100 nghìn đến 120 nghìn đồng/chục. Trong khi đó, các loại hoa thường như cúc vạn thọ, mào gà… khó tiêu thụ dù giảm giá. Trong ngày 29 và 30 Tết, nhiều điểm kinh doanh hoa tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen, Công viên 23/9, Công viên Lê Thị Riêng, do sức mua yếu dù giá đã hạ thấp, nhiều người kinh doanh đã đổ bỏ hoa.

Sau Tết, giá thị trường ổn định

Sau Tết, hoạt động kinh doanh hàng hóa trên địa bàn thành phố diễn ra sớm, sức mua giảm và giá cả không leo cao như mọi năm. Mặt hàng lương thực giá ổn định, giá các loại gạo tẻ thường từ 13.500 đến 16 nghìn đồng/kg; gạo chất lượng cao từ 18 nghìn đến 27 nghìn đồng/kg. Các mặt hàng thực phẩm, giá thịt heo sườn non, ba rọi giá khoảng 180 nghìn đến 220 nghìn đồng/kg; thịt nạc 160 nghìn đến 170 nghìn đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của CP phổ biến từ 110 nghìn đến 120 nghìn đồng /kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) từ 70 nghìn đến 80 nghìn đồng /kg; thịt bò thăn từ 300 nghìn đến 350 nghìn đồng /kg.

Sau Tết, thị trường các mặt hàng thủy hải sản cũng đã dồi dào, đa dạng, giá cũng không tăng. Giá cá lóc từ 100 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg; tôm sú loại 1 giá từ 250 nghìn đến 280 nghìn đồng/kg, thăn cá hồi 400 nghìn đồng/kg... Các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng dồi dào và giá cả ổn định. Thực phẩm chế biến: Giá giò lụa phổ biến từ 150 nghìn đến 160 nghìn đồng /kg; giò bò từ 280 nghìn đến 310 nghìn đồng/kg. Các mặt hàng rau xanh, hoa quả tươi cũng đầy đủ các loại tuy số lượng chưa nhiều như ngày thường. Trong ngày mồng 2 Tết, có thêm một số siêu thị mở cửa trở lại như Big C, Saigon Co.op…, bên cạnh đó, tiểu thương tại một số chợ lớn cũng bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, năm nay các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm soát về chất lượng cũng như giá cả các loại hàng hóa, an toàn thực phẩm, vì vậy thị trường đã không xảy ra tình trạng nâng giá quá cao nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.

Sau các ngày nghỉ Tết, lượng hàng hóa đã bắt đầu về các chợ đầu mối, tổng lượng hàng nhập chợ đạt gần 3.000 tấn/đêm, chủ yếu các mặt hàng rau củ quả. Từ ngày mồng 2 đến mồng 5 Tết, giá bán nhiều loại hàng hóa tại siêu thị không tăng so với cùng kỳ và tương đương giá bán ngày thường. Mở cửa ngày đầu năm mới, nhiều siêu thị đã áp dụng các chương trình khuyến mại, trong đó thực phẩm tươi sống giảm giá từ 10 đến 20%, hàng tiêu dùng thiết yếu giảm giá từ 5 đến 49% và người mua sắm đã bắt đầu tăng trở lại.

Theo Sở Công thương thành phố, dịp Tết, hàng hóa dồi dào, phong phú về chủng loại, đa dạng mẫu mã, giá tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trên thị trường. Xu hướng tiêu dùng Tết năm nay người dân thành phố chuyển qua vui Tết hơn là ăn Tết, vì vậy không khí mua sắm trước Tết diễn ra trong yên bình.