Ðổi thay trên vùng quê cách mạng

Ðến xã Trung An (Củ Chi) trong những ngày tháng tư lịch sử, thắp nén nhang lên bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đội Gò Môn, càng xúc động khi chứng kiến làng xóm nơi đây ngày một đổi thay tích cực. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung An đã có nhiều đóng góp to lớn vào việc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Truyền thống cách mạng tốt đẹp đó chính là nền tảng, là động lực để Ðảng bộ và nhân dân xã vững bước vào thời kỳ khôi phục, xây dựng lại quê hương.

Du khách thăm vườn trái cây tại xã Trung An, huyện Củ Chi.
Du khách thăm vườn trái cây tại xã Trung An, huyện Củ Chi.

Một thời không quên

Với những người lần đầu đến đây, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên quê hương Trung An, với cơ sở hạ tầng kiên cố, đời sống nhân dân luôn được nâng lên, thật khó để hình dung về vùng đất trước đây một thời bị kìm kẹp, đàn áp trong các ấp chiến lược, vành đai trắng. Ngược sông Sài Gòn, men theo vàm Ông Chi lên vàm Cây Da, bên bờ sông là những vườn cây trái xanh tươi, xóm làng trù phú, yên bình hiện ra làm dịu nắng hè gay gắt. Bí thư Chi bộ ấp An Hòa Thái Văn Huỳnh kể: Khi giặc Mỹ xâm lược miền nam, vùng đất Trung An bị chúng đàn áp dã man. Trong các ấp chiến lược có khoảng 350 gia đình với 2.500 hộ dân. Dọc tỉnh lộ 15 và tỉnh lộ 8, chúng lập các đội dân vệ, xây dựng bót, đồn tạo thế bao vây, kìm kẹp quần chúng. Không có gì đau đớn, căm hận bằng sống trên mảnh đất quê hương hoa trái bốn mùa, sản vật thiên nhiên cũng đủ cho cuộc sống sung túc mà người nông dân Trung An không đủ vải che thân, không mua nổi dầu đèn. Ruộng đồng phải bỏ trắng vì bom đạn. Chính vì vậy, người dân Trung An quyết tâm đánh giặc. Ông Thái Văn Huỳnh bồi hồi nhớ lại: Ngày 4-10-1964, nhận tin mật báo có một tiểu đoàn lính ngụy đi cứu nguy đồn Bến Mương ở An Nhơn Tây đang bị quân ta bao vây, biết chắc bọn địch sẽ rút về đường lộ 15, du kích xã Trung An đã hỗ trợ bộ đội địa phương tức tốc dàn trận tại dốc Bàu Trâm, trên tỉnh lộ 15. Ðúng như dự đoán, khi tiểu đoàn ngụy qua đây đã lọt vào trận địa phục kích của ta cho nên bị đánh tơi bời. Thắng trận này, bộ đội và du kích Trung An tiêu diệt khoảng 200 tên ngụy, thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự.

Năm 1964, do bị ta chặn đánh, phá nhiều bót, đồn ở Bàu Trâm và Tân Quy cho nên địch mở nhiều trận càn vào Trung An. Ngày 23-11-1964, tàu chiến của Mỹ từ sông Sài Gòn trút đạn như mưa vào hai ấp An Bình và An Hòa, nơi có Quận ủy Gò Môn đang trú đóng. Sau đó, chúng cho bộ binh tràn vào bắn phá. Bị tiến công bất ngờ, 22 chiến sĩ Trung đội Gò Môn và du kích địa phương, cùng người dân rút xuống địa đạo để bảo toàn lực lượng. Nhưng không ngờ, một kẻ chỉ điểm đã chỉ nơi quân dân ta trú ẩn. Giặc ném thuốc nổ xuống hầm khiến 22 chiến sĩ Trung đội Gò Môn, dân quân du kích, đoàn viên, thanh niên và người dân hy sinh, tổng cộng hơn 120 người. Nước mắt và máu người dân Trung An thấm đẫm mảnh đất này. Ông Huỳnh ngậm ngùi: Hồi đó tôi mới 10 tuổi, khi chưa vơi nỗi đau cắt ruột vì hai người anh vừa hy sinh, thì lại chứng kiến sự kiện bi thương đến nay vẫn còn ám ảnh.

Hằng năm, vào các dịp lễ 30-4, 2-9, ngày 27-7, trước các cuộc họp mặt truyền thống Gò Môn, các đoàn thể chính trị, xã hội của các quận, huyện, cùng thân nhân các liệt sĩ Gò Môn và người dân khắp nơi đều về đây để thắp hương, tưởng nhớ đến công lao to lớn của cán bộ chiến sĩ Trung đội Gò Môn và nhân dân Trung An đã hy sinh vì nền độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Ghi nhận công lao của quân và dân xã Trung An trong hai cuộc kháng chiến, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Chiến công hạng 3.

Phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp

Sau ngày cách mạng thành công, từ đống đổ nát, hoang tàn, người dân Trung An bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Những ấp chiến lược xưa nay đã thay bằng xóm làng trù phú, vùng trắng ruộng hoang chi chít đạn bom được cải tạo thành những ruộng vườn xanh tốt. Vàm Ông Chi xưa phải bơi xuồng hoặc lội sình đi qua thì nay đã có cầu bê-tông bền đẹp. Trong phát triển kinh tế, Ðảng ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu giữa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và thương mại, dịch vụ, tạo chuyển biến phù hợp kinh tế thị trường. Chuyển đổi từ cây lúa truyền thống và các cây trồng thu nhập thấp sang các cây trồng có thu nhập cao. Ðặc biệt là phát triển du lịch sinh thái miệt vườn dọc sông Sài Gòn với 247 ha. Hằng năm, cứ vào mùa trái cây, nơi đây lại tấp nập du khách từ mọi miền tới để thưởng thức trái ngọt và tận hưởng những làn gió mát lành từ sông Sài Gòn thổi lên.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt hơn 53 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 10 lần so với năm 1985. Những địa danh một thời đi vào lịch sử như ấp An Bình, Bốn Phú, An Hòa, Thạnh An... ngày nay đã khang trang, phát triển vượt bậc. Năm 1985, toàn xã chỉ có 448 nhà ngói, 372 nhà tôn, còn lại là nhà tranh tre tạm bợ, thì nay nhà của người dân trên địa bàn xã đều là nhà xây kiên cố. Ðường làng, ngõ xóm được bê-tông, đường nhựa rộng rãi đến tận các ấp. Tính đến thời điểm này, xã Trung An đã thực hiện thành công 16 trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2. Ðời sống của người dân nhờ đó được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Ðời sống văn hóa, y tế, giáo dục rất được quan tâm, đầu tư. Từ một xã có đến 90% số dân mù chữ thì nay đã được phổ cập trình độ trung học cơ sở. Tinh thần yêu thương, đùm bọc nhau trong cách mạng nay được kế thừa, phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương. Ðồng chí Lê Trí Dũng, Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết: Ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Trung An tiếp tục đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, phát huy cao độ sự năng động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, yếu kém để thực hiện thành công tất cả các tiêu chí của Ðề án xây dựng xã nông thôn mới trong năm 2019 này.

Tháng tư lại về với cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Nhớ về những ngày tháng hào hùng, Ðảng bộ, người dân Trung An hôm nay càng tự hào, hạnh phúc trước những đổi thay trên quê hương và vững tin hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc, phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.