Ðổi mới công nghệ xử lý rác, góp phần bảo vệ môi trường

Việc xử lý các loại rác thải đang là bài toán khó đặt ra đối với thành phố trong nhiều năm qua. Với đặc thù là một đô thị đặc biệt, số dân tăng nhanh, các cơ quan chức năng đang có nhiều định hướng về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, trong đó có việc chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện để góp phần quản lý đô thị và bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Công nhân Công ty Môi trường đô thị thành phố vớt rác tại rạch Ụ Cây, quận 7. Ảnh: Khánh Trình
Công nhân Công ty Môi trường đô thị thành phố vớt rác tại rạch Ụ Cây, quận 7. Ảnh: Khánh Trình

Dần loại bỏ công nghệ xử lý lạc hậu

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, trong đó, giảm ô nhiễm môi trường là một trong bảy Chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, việc xử lý chất thải của thành phố chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), việc sản xuất phân bón và tái chế cũng được các đơn vị thực hiện nhưng tỷ lệ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của thành phố.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, vận chuyển năm 2018 là hơn ba triệu tấn, trung bình khoảng hơn 9.200 tấn/ngày. Trong đó, có đến hơn 72,5% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Theo Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng, mặc dù các bãi chôn lấp hiện nay của thành phố là hợp vệ sinh nhưng công nghệ xử lý này hiện đã không còn phù hợp. Trong đó, nhược điểm lớn nhất là nguy cơ tồn tại mùi hôi tại các vị trí chung quanh bãi rác chôn lấp. Ngoài ra, công nghệ chôn lấp cũng gây lãng phí “tài nguyên” rác thải vốn có thể tận dụng để tái chế thành nhiều sản phẩm khác nhau trong đời sống.

Tại Nghị quyết số 03/NQ-HÐND, ngày 11-6-2017 của HÐND thành phố về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố và Quyết định số 5297/QÐ-UBND, ngày 11-11-2016 của UBND thành phố về ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 10 về chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020; trong đó xác định cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý chất thải tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện, hướng đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh giảm xuống còn 50%, đến năm 2025 còn 20%. Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2020, 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.

Xã hội hóa công tác xử lý rác thải

Nhằm hỗ trợ cho các nhà máy thực hiện chuyển đổi công nghệ, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các sở, ngành liên quan đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý của các doanh nghiệp: Công ty CP Ðầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Công ty CP Vietstar và Công ty Môi trường Tasco Củ Chi trong hoạt động đầu tư xử lý rác thải. Ðến thời điểm này, các đơn vị đầu tư đã thẩm định tổng thể dự án nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi công nghệ của nhà máy, quyết định điều chỉnh đầu tư; cấp quy hoạch 1/500; cấp phép xây dựng tạm để có cơ sở tiến hành khởi công xây dựng vào tháng 9, tháng 10-2019. Nguồn kinh phí đầu tư xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện sẽ do các nhà đầu tư bỏ ra.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố khẳng định, những nhà máy đốt rác phát điện này được đầu tư xây dựng theo công nghệ tiên tiến của châu Âu cho nên khi triển khai xử lý sẽ mang đến nhiều lợi ích như: thu hồi điện năng từ rác, trong đó, một phần điện năng phục vụ cho nhà máy, số còn lại sẽ hòa vào lưới điện quốc gia; ứng dụng trong tái chế để sản xuất gạch không nung, vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Việc các đơn vị triển khai các dự án này sẽ góp phần giảm lượng chất thải xử lý theo phương pháp chôn lấp, giảm diện tích đất chôn lấp, giảm phát thải khí nhà kính,… Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng Giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa cho biết: các thủ tục giấy phép để xây dựng nhà máy mới đã có. Dự kiến tháng 10-2019, doanh nghiệp sẽ triển khai xây dựng nhà máy mới chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện trên diện tích 20 ha. Dự kiến trong vòng 18 tháng sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động.

Ðể giải quyết vấn đề xử lý rác đầu nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay các điểm trung chuyển đã có xe thu gom phân loại, rác vô cơ và rác hữu cơ theo quy trình. Quá trình này được thực hiện tùy vào đặc thù của từng quận, huyện của thành phố. Tuy nhiên, trong thực tế tại nhiều địa phương, người dân vẫn chưa nêu cao ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn, đồng thời, việc thu gom rác hiện cũng còn nhiều bất cập cần sớm được giải quyết. Thành phố đã phân cấp về quận, huyện, từ quận, huyện phân cấp về phường, xã. Phường, xã sẽ thực hiện đến các hộ gia đình, tùy theo đặc thù của từng khu vực. Một vấn đề quan trọng nữa được Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt chú trọng, đó là hoạt động giám sát về môi trường, trong đó, đơn vị này sẽ giám sát và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng các nội dung đánh giá tác động về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Các thông số môi trường tại các nhà máy xử lý rác sẽ được quan trắc tự động và chuyển số liệu về Sở để theo dõi, giám sát thường xuyên. Ðối với việc xử lý khí thải phát sinh từ lò đốt, cần đáp ứng đúng quy chuẩn, kỹ thuật đối với lò đốt, phát điện do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.