Ô nhiễm tiếng ồn ngày càng tăng

Ô nhiễm tiếng ồn hiện nay tại TP Hồ Chí Minh thật sự đáng báo động. Kết quả đo tiếng ồn tại 150 điểm quan trắc đặt trên 30 tuyến đường của thành phố trong khoảng thời gian ít phương tiện lưu thông nhất (từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau) nhưng tiếng ồn đo được vẫn vượt quá giới hạn gấp nhiều lần, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân, cần được các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý khắc phục.

Một người hát ka-ra-ô-kê dạo gây thêm tiếng ồn trên đường phố.
Một người hát ka-ra-ô-kê dạo gây thêm tiếng ồn trên đường phố.

Cụ thể, sáu trạm quan trắc tại ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, vòng xoay Phú Lâm và ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh do Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố thực hiện, với số lần đo nhiều lần đều đạt hơn 85dB, vượt ngưỡng tiếng ồn cao nhất cho phép. Theo nhiều nghiên cứu, người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, mệt mỏi gây ra bệnh tật. Nghiêm trọng hơn, nếu sống ở khu vực có tiếng ồn trong thời gian quá lâu có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng tính mạng. Người đang điều trị bệnh mà sống nơi ồn ào, ô nhiễm thì quá trình hồi phục sẽ chậm hơn, thậm chí không bình phục. Tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe lớn thứ hai sau bụi. Tiếng ồn tác động lên con người ở ba khía cạnh: che lấp âm thanh cần nghe làm suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi. Nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì không chỉ bị bệnh tâm thần mà còn gây tổn thương phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại… Tiếng ồn có thể khiến trẻ em mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học từ ngữ của trẻ ngay từ những năm đầu đời. Tất cả những tác động này dẫn đến nhiều biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, ảnh hưởng hiệu quả lao động, nhất là đối với những cư dân đô thị.

Hiện nhiều bệnh viện đã tiếp nhận, thăm khám những trường hợp là người dân đô thị, công nhân may, dệt, giày da; thợ mộc, thợ xưởng cưa, những người làm quán bar, DJ âm nhạc… bị bệnh do tiếng ồn phát ra. Theo TS Nguyễn Đình Tuấn (Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), ở các tuyến đường đông xe đều vượt tiêu chuẩn cho phép về tiếng ồn ở mức cao, các tuyến đường bình thường cũng vượt mức cho phép. Thành phố có ba nguồn gây tiếng ồn chính là: hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng - dịch vụ. Trong đó, nguyên nhân của sự gia tăng tiếng ồn đều do giao thông gây ra. Những năm gần đây, mỗi năm thành phố tăng 10% lưu lượng xe hơi cá nhân và còn tăng cao hơn nữa khi giá xe ngày càng rẻ. Với thực tế này, ô nhiễm tiếng ồn sẽ tăng cao hơn nữa. Cũng theo TS Nguyễn Đình Tuấn, thành phố cần có kế hoạch chống tiếng ồn, kế hoạch này cần chia tiếng ồn thành bốn cấp độ để có hướng xử lý. Đó là, tiếng ồn chấp nhận được so với quy định; vượt quy định nhưng có khả năng khắc phục; không khắc phục được; không được phép có trong đô thị. Với nguồn tiếng ồn không khắc phục được, nếu là các loại xe thì không được phép lưu thông, nếu là máy móc sản xuất thì phải thay đổi công nghệ. Riêng với tiếng ồn không được phép có trong đô thị thì chính quyền thành phố phải cấm hẳn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện phải lập đường dây “nóng” để người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các nơi vi phạm. Động thái này được thành phố đưa ra khi xuất hiện tình trạng thuê thiết bị, loa công suất lớn để hát ka-ra-ô-kê, các nhà hàng, quán “nhậu” hằng ngày “tra tấn” cộng đồng dân cư. Người dân phải liên tục kêu cứu vì bị ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, sức khỏe. Tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây tiếng ồn “xé tai” trong các khu dân cư hay trung tâm thành phố đang tăng mạnh nhưng việc xử lý đang bị bỏ ngỏ. Khi người dân đến Công an hoặc UBND phường phản ánh, trình báo, thì chỉ có biện pháp xuống hiện trường nhắc nhở, chưa có biện pháp chế tài mạnh. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi gây tiếng ồn quá quy định đối với cá nhân sẽ bị phạt từ một triệu đến 160 triệu đồng. Đối cơ sở, tổ chức mức phạt sẽ tăng gấp đôi và đình chỉ hoạt động từ 3 đến 12 tháng. Luật đã có, nhưng rất ít khi được áp dụng để xử lý triệt để. Thực tế, việc thu thập bằng chứng để xử lý tiếng ồn cũng là việc nan giải. Hầu hết, khi nhận được trình báo hoặc khiếu nại của người dân, cán bộ quản lý đô thị, công an hoặc lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp đến hiện trường. Tuy nhiên, phần lớn đều không phát hiện… vi phạm, bởi người vi phạm dễ dàng đối phó bằng cách vặn nhỏ tiếng hay tắt nhạc khi thấy bóng dáng đoàn kiểm tra, sau đó đâu lại vào đấy. Với tiếng ồn do giao thông, thành phố có thể trồng các giải phân cách bằng cây xanh để hút tiếng ồn và lọc bụi, kết hợp với các phương án phân luồng, điều tiết lưu lượng xe, cấm và phạt nặng xe gắn các loại kèn hơi. Bản thân mỗi người dân cũng cần phải có ý thức giữ gìn môi trường sống trong lành, không gây phiền hàng xóm, không bật nhạc hoặc gây tiếng ồn quá to, đặc biệt là vào những giờ nghỉ ngơi.