Nữ tiến sĩ trẻ và mơ ước chữa ung thư

Chị là tiến sĩ Trần Hà Liên Phương, giảng viên Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), một trong ba giảng viên trẻ được Hội đồng khoa học trao học bổng nghiên cứu cấp quốc gia L'Oreal - UNESCO "Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học" năm 2013.

TS Trần Hà Liên Phương (ngoài cùng bên trái) trong Lễ nhận học bổng nghiên cứu khoa học cấp quốc gia 2013.
TS Trần Hà Liên Phương (ngoài cùng bên trái) trong Lễ nhận học bổng nghiên cứu khoa học cấp quốc gia 2013.

Sinh năm 1981, Trần Hà Liên Phương đã được thừa hưởng nhiều đức tính tốt đẹp từ một gia đình trí thức nền nếp. Tốt nghiệp THPT, thi đậu hai trường đại học và chị đã chọn ngành dược của Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để bắt đầu con đường lập nghiệp. Trong thời gian học đại học, Phương đã nổi bật là một thành viên tích cực trong các hoạt động tập thể. Ngoài việc học, Phương sớm tự rèn luyện bản thân bằng nhiều việc và tích cực luyện thêm tiếng Anh. Tốt nghiệp đại học, chị được nhiều công ty dược mời về làm việc, nhưng với mong muốn tiếp tục đào sâu hơn nữa ngành dược, nên chị liên tục tìm và "săn" học bổng. Một năm sau, chị nhận được học bổng và học tại Trường đại học quốc tế Kangwon (Hàn Quốc). Những ngày đầu mới sang, dù rất bỡ ngỡ nhưng với bản tính chịu khó và óc sáng tạo, chị nhanh chóng hòa nhập được với môi trường mới. Ngoài việc tập trung học để đạt kết quả cao, chị luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của sinh viên Việt Nam tại đây. Trần Hà Liên Phương rất cần mẫn, nghiêm túc với tác phong làm việc khoa học. Chị luôn đạt kết quả tốt và được bạn bè, nhất là các giáo sư đánh giá cao. Năm 2011, chị nhận bằng tiến sĩ dược và trở về nước.

Tại Trường đại học Quốc tế, ngoài giờ lên lớp, TS Phương lại miệt mài ở phòng thí nghiệm với mong muốn đẩy nhanh dự án: "Nghiên cứu làm tăng hiệu quả điều trị ung thư bằng việc kết hợp fucoidan và các thuốc kháng ung thư khó tan để chế tạo các hạt nano". Nói về dự án thuốc điều trị bệnh ung thư mới, TS Phương chia sẻ: Đó là hướng đi mới tại Việt Nam. Trên thế giới, những đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano để điều chế thuốc đã khởi động từ vài năm nay. Đó là Fucoidan, được chiết xuất từ tảo nâu vốn phổ biến tại các vùng biển của Việt Nam. Fucoidan có hiệu quả trong việc chống lại sự tạo thành và phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công bố nào ứng dụng nguyên liệu này như một hoạt chất trị ung thư cho các hệ nano, ngoại trừ các công bố về việc nghiên cứu quy trình chiết xuất. Đó cũng là khó khăn lớn nhất trong giai đoạn đầu của đề tài cần giải quyết.

Theo chị, các thuốc điều trị ung thư hiện nay thường khó tan trong nước, phân bổ rộng trong cơ thể. Khi thuốc được đưa vào cơ thể thường bị đào thải nhanh ra khỏi hệ thống tuần hoàn máu, dẫn đến phần lớn các phân tử thuốc không thể đến được vị trí mô ung thư để điều trị và gây độc cho các tế bào khỏe mạnh. Chưa kể kèm theo là những tác dụng phụ như giết chết tế bào lành. Vì vậy, việc kết hợp một thuốc khó tan và Fucoidan (loại dễ tan) để chế tạo các hạt nano được mong đợi sẽ cho hiệu quả điều trị ung thư tăng gấp bội và giảm thiểu các tác dụng phụ thường gặp. Hạt nano sẽ "lái" các hạt thuốc tìm đến đích, đồng thời len lỏi vào các khe hở trong cấu trúc tế bào ung thư để tiêu diệt. Một vài loại thuốc vào hạt nano thì hiệu quả điều trị càng cao. Theo đề án nghiên cứu của chị, việc chế tạo hạt nano mang thuốc điều trị ung thư sẽ khắc phục được nhiều vấn đề còn hạn chế trong điều trị hiện nay. Mặt khác, do đặc tính cấu trúc của tế bào ung thư, hạt nano còn dễ đi đến và dễ được hấp thụ vào các tế bào này. "Vấn đề là cần nghiên cứu tìm cách để gắn thuốc vào các hạt nano mà không làm mất hoạt tính điều trị và làm tăng tính tan của thuốc. Nếu gắn được một vài loại thuốc vào hạt nano thì hiệu quả điều trị càng cao" - TS Phương nhấn mạnh như vậy.

Đề tài nghiên cứu của nữ tiến sĩ trẻ này đã nhận được 100% phiếu đề cử từ Hội đồng khoa học và được Hội đồng khoa học trao học bổng nghiên cứu cấp quốc gia L'Oreal - UNESCO "Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học" (Việt Nam chỉ có ba người đạt). Giáo sư Phạm Thị Trân Châu nhận xét: "Tác giả đã sử dụng nguyên liệu mới là fucoidan là một polymer ưa nước có trong tảo nâu, có tác dụng chống ung thư để liên hợp với một thuốc chống ung thư khác không có tính ưa nước để gắn vào hạt nano. Nghiên cứu sẽ giúp tạo được hạt nano mang thuốc có lớp vỏ ưa nước nên dễ dàng tuần hoàn trong máu, do đó làm gia tăng nồng độ thuốc trong mô ung thư". Thành công của hướng nghiên cứu này sẽ đóng góp một hệ trị liệu mới thật hiệu quả trong việc điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam.

Khi được hỏi về thời gian sẽ hoàn thành dự án, TS Phương thẳng thắn cho biết: "Nghiên cứu khoa học như giải một bài toán khó, có thể mất một khoảng thời gian dài đến rất dài. Hiện, đề tài của tôi chỉ mới dừng lại ở những kết quả bước đầu trong phòng thí nghiệm, khó để nói chính xác thời gian hoàn thành. Tôi hy vọng đến cuối năm 2014, khi những thử nghiệm đầu tiên trên tế bào ung thư được thực hiện và những kết quả có được sẽ thể hiện chính xác giá trị của đề tài nghiên cứu này".

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng dược sĩ, rồi học lên cao học cũng đúng chuyên ngành đã chọn trước đó. Mãi đến khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học quốc tế KangWon (Hàn Quốc), TS Phương mới chuyển hướng làm quen với công nghệ nano trong điều chế thuốc. Vậy mà chỉ trong 5 năm nơi xứ người, chị đã có đến 23 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế uy tín. Trong năm 2013, chị cũng có hai bài đăng trên Journal of Biomedical Nanotechnology. Với những kết quả đó, chị có thể được nhận vào nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm lớn, được làm việc cùng với các giáo sư uy tín ngay tại Hàn Quốc. Nhưng với chị, quê hương luôn là chốn thiêng liêng nên chị đã chọn con đường trở về. Tự tay điều chế thuốc để chữa bệnh cho người dân, với chị, đó là niềm hạnh phúc.