Đội ngũ giáo viên mầm non

Nơi thừa, nơi thiếu

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh, năm học 2013-2014, toàn thành phố cần 18.035 giáo viên mầm non (GVMN) để đáp ứng tỷ lệ dân số cơ học tăng cao. Tuy nhiên, trên thực tế, thành phố chỉ có 16.032 GVMN, tức là vẫn còn thiếu 2.003 GVMN. Hiện nay, nguồn để tuyển dụng và đào tạo GVMN rất hiếm...

Các cháu Trường mầm non phường 15, quận 10 trong giờ học ngoại khóa.
Các cháu Trường mầm non phường 15, quận 10 trong giờ học ngoại khóa.

TP Hồ Chí Minh là đô thị đông dân nhất nước, cho nên nhu cầu cho giáo dục tăng cao là chuyện đương nhiên. Song, tình trạng thiếu GVMN trở nên cấp thiết từ khi thành phố bắt đầu triển khai chương trình phổ cập mầm non năm tuổi. Tình trạng thiếu GVMN cũng chỉ xảy ra ở khu vực nội thành có dân cư đông, gần các khu chế xuất-khu công nghiệp. Còn ở ngoại thành, do nhu cầu gửi trẻ không cao, cho nên vẫn... thừa người dạy, mỗi năm, trung bình có hơn 2.000 GVMN xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, một nguyên nhân gây thiếu GVMN "cục bộ" ở nội thành là do chính sách của thành phố chỉ chấp nhận cho năm quận, huyện ngoại thành được tuyển GVMN có hộ khẩu KT3 (từ năm 2009), ngoài ra không còn chính sách khuyến khích nào khác để thu hút GVMN. Vì vậy, các trường mầm non trong nội thành chỉ có thể tuyển dụng GVMN có hộ khẩu thành phố, mà nguồn này thì rất hiếm.

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có ba đơn vị đào tạo GVMN là các trường: cao đẳng Sư phạm Trung ương 3, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Đại học Sài Gòn.

Trong đó, Trường đại học Sài Gòn là đơn vị chủ lực đào tạo, cung cấp đội ngũ GVMN cho thành phố. Tuy nhiên, năm học 2013-2014, trường này chỉ tuyển sinh được 2.950 người để đào tạo giáo viên nói chung (kể cả GVMN), trong khi các năm học trước đều tuyển sinh hằng năm từ 4.000 đến 5.000 người.

Theo Hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn PGS,TS Nguyễn Viết Ngoạn, thì nguyên nhân là do "vướng" quy định của Bộ GD-ĐT là mỗi giáo viên chỉ được đào tạo 20 giáo sinh. Vì vậy, dù cơ sở vật chất và năng lực của trường đều đáp ứng yêu cầu, nhưng Trường đại học Sài Gòn vẫn không dám tuyển thêm vì nếu "nới tay" đào tạo xong, Bộ GD-ĐT cũng không cấp bằng.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Trưởng Khoa Giáo dục Mầm non, Trường đại học Sài Gòn, TS Trần Thị Thương phân tích: Những năm qua, nhà trường đã bồi dưỡng tay nghề, kiến thức chăm sóc, kiến thức dinh dưỡng cho 10.379 bảo mẫu. Song, do chỉ là "bồi dưỡng", cho nên lực lượng này vẫn không phải là GVMN và không thể được tuyển dụng, phát sinh tình trạng "người có tay nghề thì không có bằng, người tuyển dụng muốn tuyển người có bằng, người có bằng lại hiếm". Trường đã có Đề án xây dựng Khoa Trung cấp đào tạo GVMN, tiểu học trình UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 18-10-2013, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 5587/UBND-VX gửi Bộ GD-ĐT đề nghị bộ chấp thuận cho Trường đại học Sài Gòn thành lập Khoa Trung cấp đào tạo GVMN, tiểu học.

Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa phản hồi. Với tình hình thực tế hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không có trường trung cấp chuyên nghiệp ngành sư phạm nào, thì đề nghị của thành phố là rất phù hợp.

Trong giai đoạn thiếu trầm trọng GVMN, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ ban hành chính sách đặc thù để thu hút sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non; miễn giảm hoàn toàn học phí cho sinh viên khối sư phạm (có hộ khẩu thành phố); có cơ chế ưu tiên tuyển dụng giáo sinh khi ra trường...

PGS, TS Nguyễn Viết Ngoạn cho biết thêm: Nếu được Bộ GD-ĐT chấp thuận cho thành lập Khoa Trung cấp, chúng tôi sẽ đào tạo GVMN theo tín chỉ để sau 1,5 năm thì có thể có ngay đội ngũ GVMN đáp ứng nhu cầu của thành phố.

Trong khi đợi các giải pháp căn cơ hơn, Sở GD-ĐT thành phố cũng đề xuất cho tăng thêm mức đầu tư cho bậc mầm non từ năm học 2014-2015. Cụ thể: Suất đầu tư cho trẻ nhà trẻ từ 10.065.000 đồng/năm lên hơn 11.500.000 đồng/năm; trẻ mẫu giáo từ 6.572.000 đồng/năm lên 8.086.000 đồng/năm. Bên cạnh đó, cũng cần quy định chức danh cụ thể cho bảo mẫu, cấp dưỡng thì mới thu hút được GVMN và người làm công tác chăm sóc trẻ mầm non...

Tại buổi làm việc gần nhất với Ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Hồ Chí Minh, Sở GDĐT thành phố cho biết, đến năm học 2019-2020, cần đào tạo bổ sung 17.025 GVMN, nhất là giáo viên chăm sóc trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.