Nỗ lực xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu

Tận dụng những lợi thế do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đem lại, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã, đang nỗ lực xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu (EU). Ðây cũng là cách để các DN trong nước bứt phá, vượt qua sự ảm đạm do dịch Covid-19 gây ra.

Công nhân Công ty CP Quốc tế Dony tất bật làm hàng xuất khẩu sang châu Âu sau Hiệp định EVFTA.
Công nhân Công ty CP Quốc tế Dony tất bật làm hàng xuất khẩu sang châu Âu sau Hiệp định EVFTA.

Cuối tuần qua, Công ty Vina T&T (quận Phú Nhuận) đã xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Lô hàng gồm 20 nghìn quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và ba tấn thanh long xuất khẩu sang EU bằng đường tàu biển và hàng không. Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Ðình Tùng cho biết: "Việc giảm thuế theo EVFTA đang giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường châu Âu, hứa hẹn trái cây Việt Nam sẽ có thị phần lớn tại thị trường tiềm năng này trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch Covid-19 lắng dịu, nhu cầu tiêu dùng tại EU tăng cao trở lại. Dự kiến trước mắt mỗi tuần, Vina T&T xuất khẩu khoảng 20 tấn trái cây các loại sang EU, sau đó sẽ tăng dần". Cũng theo ông Tùng, trước khi có EVFTA, giá trái cây Việt Nam tại EU khá cao so với trái cây các nước khác như Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a… cho nên khó cạnh tranh. Với Hiệp định EVFTA, nhờ thuế giảm cho nên các nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam hơn. Báo tin vui khi vừa ký kết đơn hàng đi Bỉ, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Dony chuyên may đồng phục Phạm Quang Anh cho biết: Mặc dù đơn hàng không lớn nhưng đối tác ký nhiều lần. Ðây là tín hiệu khởi sắc sau thời kỳ dịch bệnh của DN dệt may Việt Nam. "Chúng tôi đã đưa hàng đến nhiều quốc gia thuộc châu Âu như Pháp, Anh, Ðức, Hà Lan, Phần Lan… và một số quốc gia khác. Chúng tôi đang có kế hoạch triển khai, tiếp cận khách hàng quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tận dụng lợi thế về chính sách thuế quan mà Hiệp định mang lại cho ngành dệt may", ông Quang Anh chia sẻ. T

Theo nhiều DN da giày, khoảng một tháng trở lại đây, họ nhận được nhiều tín hiệu lạc quan từ thị trường ở cả trong nước lẫn xuất khẩu. Tại thị trường xuất khẩu, một số nước EU, Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi khi đối tác bắt đầu đàm phán chuyện đặt đơn hàng mới. Cụ thể, ngoài việc giảm thuế suất về 0%, EVFTA cho phép DN sử dụng nguyên liệu từ những nước thành viên EU và những nước mà EU có ký kết FTA (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản), đưa ra quy định về xuất xứ hàm lượng giá trị khu vực. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Gia Ðịnh Nguyễn Chí Trung cho biết: Công ty đã tiến hành thương thảo với một số đối tác về các đơn hàng, dự kiến sẽ có nhiều đơn hàng được ký vào cuối quý III, đầu quý IV năm 2020. Do đó, công ty đã có sự chuẩn bị cho các kế hoạch sản xuất trở lại. Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và giày da An Thịnh (huyện Hóc Môn) Trần Ngọc Anh cho hay: Sau giai đoạn giãn cách, công ty đã bắt đầu nhận được một số đơn hàng từ thị trường EU. Ðây là kết quả tích cực mà Hiệp định EVFTA mang lại cho DN da giày. Riêng đối với ngành gỗ, đại diện Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn - SADACO (quận 3) cho biết: Gần đây, công ty bắt đầu nhận được các đơn hàng từ EU, ngoài ra một số đơn hàng dài hơi sản xuất cho đến giữa năm 2021 cũng đã được SADACO ký kết. Việc có được các đơn hàng thời điểm này cho thấy, nhu cầu về gỗ nội thất của EU vẫn được duy trì tốt, đại diện đơn vị này nhìn nhận.

Ðại diện Hội Dệt may, thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm của EU rất khắt khe, trong khi đó, nguồn nguyên liệu dệt may do Việt Nam sản xuất (được gọi là nguyên liệu nội khối) đạt chất lượng cao hiện không đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất hàng hóa. Theo ước tính của Hội, nguyên liệu sản xuất nội khối cả nước ước chỉ đạt khoảng 20-30% nhu cầu nguyên liệu của ngành dệt may. Chủ tịch Hội Dệt may, thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng nhìn nhận: Dệt may khác với các ngành hàng khác. Thị trường châu Âu hiện nay đang khó khăn cho nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng thời trang không nhiều như trước. Từ lâu, các DN dệt may đã đề xuất việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để tận dụng tốt các hiệp định thương mại, mà hiện nay là Hiệp định EVFTA nhưng đến thời điểm hiện tại thì nguồn nguyên liệu trong nước vẫn thiếu hụt và bị động. Việc kết nối hiện nay chưa mạnh, dù đã có một vài nơi có đơn hàng xuất đi châu Âu nhưng không đáng kể. "Ðiều trước mắt bây giờ là phải chờ hết dịch Covid-19, đồng thời khách hàng, đối tác có nhu cầu xúc tiến, chứ nếu chỉ xúc tiến từ nhu cầu một phía sẽ không có kết quả. Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư cho "đầu vào" sản phẩm dệt may, để các chính sách ưu đãi của EVFTA được các DN "hấp thụ" thì ngành dệt may đang cần hỗ trợ thêm về việc liên kết với nhà cung ứng là khách hàng từ EU, cần thêm kết nối giữa nhà cung ứng và nơi tiêu thụ phù hợp điều kiện hiện có của ngành", ông Hồng nhận xét.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho biết: Do dịch bệnh, DN ngành gỗ chỉ có thể tiếp thị qua kênh trực tuyến (online) với đối tác nước ngoài, tuy vẫn bán được hàng nhưng không tăng trưởng như kỳ vọng. Do đó, phải chờ hết dịch bệnh và mở lại Hội chợ đồ gỗ, mời khách hàng các nước đến kết nối cung - cầu. HAWA đang tiếp tục chạy dự án HOPE - nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên phục vụ cho tiếp thị số trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam, kỳ vọng sẽ có thêm khách mới từ châu Âu và Mỹ. Hiện nay, số lượng khách hàng tham gia đã hơn 30 nghìn lượt, trong đó khách từ Anh và Mỹ chiếm hơn 40%.