Nỗ lực bảo tồn di sản

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị tại TP Hồ Chí Minh dù đạt được những kết quả nhất định song vẫn tồn tại nhiều bất cập. Nhiều công trình kiến trúc, di sản dần bị mai một theo tốc độ đô thị hóa đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có thêm giải pháp nhằm phát triển hài hòa giữa bào tồn di sản và phát triển kinh tế.
Dinh Thượng Thơ (quận 1) là một trong những công trình được đề xuất bảo tồn.
Dinh Thượng Thơ (quận 1) là một trong những công trình được đề xuất bảo tồn.

Nhiều di sản biến mất

Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 9-2019, trên địa bàn thành phố có 172 di tích đã quyết định xếp hạng, trong đó hai di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 56 di tích quốc gia (hai di tích khảo cổ, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích lịch sử)...

Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã bố trí kinh phí tu bổ, tôn tạo hơn 500 tỷ đồng, với 32 di tích được đầu tư tu bổ, chỉnh lý trưng bày bổ sung. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tập trung nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng hoàn thành tu bổ, tôn tạo các công trình: Chùa Giác Viên (giai đoạn 1), đình Thông Tây Hội, tu sửa cấp thiết các di tích: Bảo tàng Lịch sử, đình Phú Thạnh, đình Khánh Hội, di tích số 5 đường Châu Văn Liêm... Nhiều di tích đang được lập hồ sơ xếp hạng, góp phần quan trọng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân… Tuy nhiên, với áp lực của quá trình đô thị hóa, nhiều công trình cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố chưa có cơ chế khuyến khích dẫn đến bị thay đổi hiện trạng. Công tác phân loại, đánh giá biệt thự kéo dài nhiều năm cho nên khi kiểm tra thực tế đã có 560 trong số 1.200 biệt thự cổ biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng mà xây thành nhà phố dù trên giấy tờ vẫn ghi nguồn gốc đất là biệt thự.

Sở Xây dựng thành phố lý giải, đến nay chưa hoàn thành công tác phân loại biệt thự cũ do nhu cầu được cải tạo, xây dựng công trình trong các khuôn viên biệt thự cũ trước năm 1975 nhằm thay thế công trình cũ hư hỏng, xuống cấp, tăng thêm diện tích sinh hoạt, làm việc hoặc kinh doanh, tách thửa… Sở Xây dựng đã nhận được nhiều hồ sơ đề nghị xin phép xây dựng mới hoặc sửa chữa cải tạo, hoặc giám định kết cấu công trình biệt thự hay hướng dẫn tháo dỡ nhà biệt thự cũ. Tuy nhiên, công tác giải quyết hồ sơ đối với các công trình biệt thự cũ gặp khó khăn do chưa được đánh giá, phân nhóm.

Nhìn từ địa phương, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị (quận 1) Nguyễn Phước Thanh cho biết, hiện trên địa bàn quận có một công trình di tích quốc gia đặc biệt (dinh Độc Lập), sáu công trình di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia, năm công trình di tích lịch sử quốc gia, tám di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, 26 công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của thành phố giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, cái khó của quận là công tác kiểm kê, phân loại biệt thự cũ trước năm 1975 đã kéo dài nhiều năm gây trở ngại, bức xúc cho người dân. Với những công trình đã xếp hạng, thủ tục xin sửa chữa công trình rất nhiêu khê, kéo dài nhiều năm.

Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết, nhiều công trình có giá trị di tích, nhiều cảnh quan kiến trúc rất dễ biến mất trước áp lực của quá trình phát triển đô thị. Không gian cảnh quan của tuyến đường Tôn Đức Thắng nay đã không còn. Trong tương lai, các tuyến metro hình thành với không gian đô thị hiện đại thì những không gian kiến trúc cảnh quan lịch sử của thành phố khó giữ được nếu thành phố không có chính sách quyết liệt.

Cần giải pháp căn cơ

Nguyên nhân khiến công tác bảo tồn di sản còn nhiều bất cập được Tiến sĩ Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh) khẳng định, là do kiến thức của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước nói chung và kể cả chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn không theo kịp với sự phát triển. Trong đó, vấn đề giáo dục, cung cấp kiến thức cho cán bộ quản lý còn chậm so với yêu cầu. Thiếu kiến thức, thiếu quyết tâm bảo tồn, cho nên không giữ được các công trình quan trọng tiêu biểu của thành phố. Ngoài ra, trong quá trình phát triển kinh tế, có những quy hoạch giao thông, đô thị đã trùm lên các khu di tích khiến các công trình này dần mai một theo thời gian.

Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, về mặt pháp lý, từ năm 2013, thành phố đã ban hành Quyết định số 2751/QĐ - UBND về chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Sáu năm trôi qua, đến nay thành phố vẫn chưa xây dựng được quy chế, các giải pháp để bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Đây cũng chính là lý do khiến gần một nửa số biệt thự cũ đã dần biến mất.

Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, trong thời gian sớm nhất, Sở sẽ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để UBND thành phố xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thực hiện bảo tồn. Mặt khác, Sở sẽ xây dựng kế hoạch, từng bước công khai công bố thông tin dữ liệu về bảo tồn đến cộng đồng. Đẩy mạnh bảo tồn kết hợp phát triển, xây dựng cơ chế và chính sách, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia bảo tồn với thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cũng yêu cầu thời gian tới, lãnh đạo thành phố cần sớm có cơ chế chính sách phù hợp đối với từng loại hình công trình cần bảo tồn, rà soát đưa vào danh mục kiểm kê các công trình cần bảo tồn, hạn chế tình trạng dỡ bỏ, xây dựng mới. Thành phố phải tổng kết đánh giá Quyết định 2751 để chuẩn bị ban hành quyết định mới.