Những triển vọng mới

Năm 2020, năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm, TP Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển. Cùng những kết quả khả quan về thu ngân sách, thu hút FDI… đạt được thời gian qua, năm nay được dự báo thành phố sẽ tạo nhiều niềm tin, triển vọng mới và thành công mới.

Với những nguồn lực tiềm năng, năm 2020 dự báo TP Hồ Chí Minh sẽ đạt được những kết quả khả quan trong các lĩnh vực. Trong ảnh: Vận chuyển, bốc dỡ công-ten-nơ tại cảng Cát Lái.
Với những nguồn lực tiềm năng, năm 2020 dự báo TP Hồ Chí Minh sẽ đạt được những kết quả khả quan trong các lĩnh vực. Trong ảnh: Vận chuyển, bốc dỡ công-ten-nơ tại cảng Cát Lái.

Tại lễ phát lệnh làm hàng đầu Xuân Canh Tý 2020 tại cảng Cát Lái mới đây, ông Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phấn khởi cho biết: Ngay sau lễ phát lệnh làm hàng, tại cửa khẩu cảng biển lớn nhất nước này đã có 55 chuyến tàu cập cảng Tân Cảng - Cát Lái với sản lượng hơn 36 nghìn công-ten-nơ (tương đương 54.569 Teu). Công-ten-nơ hàng đầu tiên là lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Saigon Food được chở trên tàu WANHAI 231 chuyến S313 với chiều dài 191 m, trọng tải 21.052 tấn, từ cảng Tân Cảng - Cát Lái đến cập cảng Port Kelang (Ma-lai-xi-a). Ngoài ra, trên tàu hàng hóa của hơn 139 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của TP Hồ Chí Minh chủ yếu là các mặt hàng về nông sản và may mặc đến các cảng như Hồng Công (Trung Quốc), Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Mặc dù là Tết cổ truyền dân tộc, nhưng để phục vụ hoạt động sản xuất, hơn 4.000 người lao động Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vẫn trực tiếp làm việc tại hiện trường, bảo đảm hàng hóa thông suốt, phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu của cả nước và thành phố. Năm 2019, số thu thuế xuất, nhập khẩu qua cảng Cát Lái đạt hơn 72.500 tỷ đồng, tương đương 18,6% tổng thu ngân sách thành phố năm 2019.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã đón nhận nhà đầu tư sản xuất vi điện tử (Công ty Techtronic Industries (TTI)) có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc) với số vốn đăng ký lên đến 650 triệu USD, cao gấp 200 lần vốn đầu tư trung bình các dự án FDI trong 5 năm gần đây. Xác định rõ đây là nhà đầu tư lớn, chiến lược, thành phố đã đến tận nơi gặp gỡ, xúc tiến để có được kết quả này. Ngoài ra, tám doanh nghiệp khác trong nước cũng đầu tư vào Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 777,27 triệu USD. Quyền Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Lê Bích Loan cho rằng, việc thu hút thành công chín dự án đã giúp đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch thu hút đầu tư FDI năm 2019 đã đăng ký với thành phố. Đáng chú ý, Khu công nghệ cao đóng góp 55% vào tổng vốn đầu tư FDI mới và đóng góp 8% vào tổng vốn đầu tư gồm cấp mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần năm 2019 của thành phố. Đến nay, Khu công nghệ cao đã thu hút 162 dự án với tổng vốn đầu tư 7,9 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 5,9 tỷ USD. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tin tưởng rằng, dự án đầu tư của Công ty TTI tại Việt Nam sẽ góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu.

Năm 2020, thành phố tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn nữa để thu hút nguồn lực, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” qua đó phát huy các nguồn lực để xây dựng và phát triển thành phố. Cùng với đó, thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất còn chưa sử dụng hiệu quả dành cho sản xuất công nghiệp. Trên thực tế, nông nghiệp thành phố chỉ đóng góp 1% GDP, nhưng nguồn đất nông nghiệp chiếm đến 54%, trong khi công nghiệp, dịch vụ đóng góp 99%, nhưng chỉ chiếm 7% đất đai. Tại thành phố, việc thu hút đầu tư còn ở một nguồn lực lớn khác và cũng là lợi thế của thành phố, đó là 4,5 triệu người lao động cùng với truyền thống sáng tạo. Những kết quả khả quan về thu ngân sách, thu hút FDI… của năm 2019 đã tạo niềm tin cho TP Hồ Chí Minh về một năm mới 2020 với nhiều triển vọng mới. Năm 2020, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,3% đến 8,5%, dự toán ngân sách 405 nghìn tỷ đồng và tiếp tục phát huy kết quả khả quan 8,3 tỷ USD thu hút đầu tư FDI, cao nhất trong 10 năm qua. Thành phố đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó, bên cạnh những kết quả khả quan về thu ngân sách, thành phố cũng đồng thời đề nghị với Trung ương về việc thay đổi tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại. Đồng thời kiến nghị Trung ương xem xét thay đổi tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố; được thông qua các đề án về thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh, đề án phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, đề án xây dựng Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía đông.