Những nghĩa cử cao đẹp

Trong những ngày cuối năm Canh Tý, đoàn bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tổ chức nhiều chuyến đi tri ân đến những gia đình có người hiến tạng. Gạt đi nỗi đau riêng, những con người thầm lặng ấy đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình và của người thân.

Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy trao Kỷ niệm chương của Bộ Y tế cho gia đình em D.V.C.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy trao Kỷ niệm chương của Bộ Y tế cho gia đình em D.V.C.

Chuyến đi đến gia đình anh Dương Văn Tới tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh khởi hành sớm hơn dự kiến, đến nơi đã thấy gia đình anh làm sẵn mâm cơm đợi đoàn. Tình huống bất ngờ khiến mọi người trong đoàn bác sĩ BV Chợ Rẫy xúc động. Trong chuyến đến thăm trước thềm năm mới lần này, BV Chợ Rẫy trao cho gia đình anh Tới kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" do Bộ Y tế truy tặng cháu D.V.C, con anh Tới. Ðây là một vinh dự lớn đối với gia đình khi đã có nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng. Ðặt tấm bằng Kỷ niệm chương trên bàn thờ của con mình, anh Tới xúc động: "Chắc ở thế giới bên kia cháu nó cũng vui lắm". Ðối với gia đình anh Tới và bà con chung quanh, những gì xảy ra trong đêm một ngày tháng 3-2020 định mệnh không bao giờ quên được.

Một tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến cho D.V.C rơi vào cơn nguy kịch. "Biết con không sống được, gia đình ban đầu nghĩ sẽ đem con về chôn cất như mọi người", anh Tới kể. Và người khiến gia đình anh thay đổi suy nghĩ chính là chị Ðiệp, một người bạn và cũng là người chị của vợ chồng anh. Chị đã giải thích, thuyết phục vợ chồng anh Tới nên đăng ký cho C. hiến tạng, vì sẽ có cơ hội cứu sống được nhiều người cũng đang rơi vào hoàn cảnh không may. Nhớ lại giây phút ấy, chị Ðiệp cho biết, ban đầu vợ chồng anh Tới không đồng ý, đây cũng là tâm lý bình thường của những người cha, người mẹ trong giây phút nỗi đau bất ngờ ập đến. Nhưng chị Ðiệp vẫn kiên trì thuyết phục vợ chồng anh Tới, cho đến khi cả hai bình tâm trở lại, suy nghĩ cặn kẽ mọi việc và đồng ý đăng ký hiến tạng. Theo TS, BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy, em C. đã hiến gan, tim, hai quả thận và hai giác mạc, cứu được sáu người trên cả nước. Hiện nay, sức khỏe của sáu người nhận đều ổn định.

Không chỉ đến trao Kỷ niệm chương cho những trường hợp mới hiến tạng trong năm, BV Chợ Rẫy còn thăm hỏi những gia đình có người thân hiến tạng từ nhiều năm trước. Gia đình chị Võ Thị Ánh Phụng, Bình Trưng Ðông, quận 2 (nay là TP Thủ Ðức) là một trường hợp như thế. Trong căn nhà thuê chắp vá, chị Phụng cho hay, biết đoàn nay đến thăm nên cho con Võ Sơn Lâm, đang học lớp 4, Trường Nguyễn Văn Trỗi, Bình Trưng Ðông về sớm. Sau khi hỏi thăm việc học, BS Dư Thị Ngọc Thu lấy ra những bộ quần áo mới tặng cho Lâm.

Vừa mặc thử trên người, cậu bé cứ cười mỉm, mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Lâm là em của Trần Văn Lành, con trai lớn chị Phụng, người đã mất cách nay 5 năm và đã hiến tặng cho BV Chợ Rẫy một giác mạc; một giác mạc chuyển ngân hàng mắt Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố; tim, gan thì được chuyển ra Trung tâm điều phối quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người, sau đó chuyển cho BV Việt Ðức. Khi Lành qua đời, chị Phụng gặp nhiều khó khăn, vừa mưu sinh, vừa lo cho Lâm ăn học. Hiểu được hoàn cảnh của chị, BV Chợ Rẫy đã đồng hành với gia đình để cho Sơn Lâm có điều kiện đến trường, đến lớp như bao bạn đồng trang lứa. Chị Phụng kể lại, sau khi biết con mình đã chết não, được sự thuyết phục của BV, chị Phụng quyết định hiến tạng với niềm tin những bộ phận khỏe mạnh của con sẽ tiếp tục cứu giúp được nhiều người.

Nhưng điều chị không lường trước được đó chính là những lời nói cay độc, sự gièm pha của những người chung quanh và cả gia đình bên chồng. "Ai cũng nói tôi bán con, giải thích như thế nào họ cũng cứ nghĩ như vậy", chị Phụng tâm sự. Cho đến ngày BV Chợ Rẫy đến nhà và trao cho chị Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" do Bộ Y tế truy tặng, những ý nghĩ không hay của người đời cũng dần vơi đi. BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ, Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" là món quà quý giá mà ngành y tế muốn tri ân những tấm lòng nhân ái, những người luôn nghĩ đến sức khỏe cộng đồng. BS Ngọc Thu cho biết thêm, giờ đây, người dân đã hiểu ý nghĩa việc hiến tạng, cho nên số người đăng ký hiến tạng ngày càng nhiều hơn. Ðiều cần thiết bây giờ là làm sao để có thêm nhiều người trong cộng đồng hiểu được ý nghĩa cao đẹp ấy, có thêm nhiều sự cho đi. "Cái khó bây giờ là thuộc về ngành y. Ðể việc hiến tạng mang ý nghĩa trọn vẹn, đòi hỏi ngành y phải phối hợp nhịp nhàng, khắc phục những hạn chế trong một chuỗi công việc phức tạp như từ việc nâng cao hiệu quả cấp cứu ngoài đường phố, đến củng cố danh sách chờ, thời gian vận chuyển thế nào sao cho ngắn nhất, an toàn nhất…", BS Dư Thị Ngọc Thu trăn trở.

Chị Chi, mẹ em D.V.C nhìn tấm hình của C. trong chiếc điện thoại di động như nói với chính mình: "Nếu còn sống giờ này nó đang cùng gia đình tất bật công việc Tết ở chợ đầu mối. Có nó làm phụ cũng đỡ cho mình lắm". Gần một năm trôi qua, nỗi đau mất con đã vơi đi, và chị cảm thấy nhẹ lòng hơn khi biết ở đâu đó có người đang sống khỏe mạnh từ chính những bộ phận cơ thể của con mình hiến tặng. Ðó là sự tiếp nối, sự khởi đầu để những điều tốt đẹp tiếp tục được lan tỏa trong cuộc sống này.

Bài và ảnh: BẢO LINH