Những giải pháp đồng bộ để bảo vệ trẻ em

Thời gian qua, dù các cấp chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em, song các vụ phạm tội xâm hại trẻ em ngày một gia tăng, đòi hỏi phải sớm có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này.

Thanh, thiếu niên trong một hoạt động giao lưu gặp gỡ lãnh đạo thành phố.
Thanh, thiếu niên trong một hoạt động giao lưu gặp gỡ lãnh đạo thành phố.

Thực trạng báo động

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 15 tuổi. Trong số này, có khoảng 500.000 trẻ đăng ký tạm trú. Với tỷ lệ khoảng 20% tổng dân số, trẻ em đang trở thành một thành phần rất quan trọng trong tương lai của thành phố. Tuy vậy, những con số thống kê về các vụ phạm tội trẻ em từ cơ quan chức năng khiến người dân không khỏi lo lắng. Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 170 vụ bạo lực, xâm hại, có gần 87% là xâm hại tình dục, 85% số nạn nhân là trẻ em gái. Ðáng lo ngại, 30% các vụ việc khi bị phát hiện, sau khi có quyết định khởi tố, điều tra, truy tố vẫn phải tạm đình chỉ, hoặc đình chỉ vì không đủ chứng cứ, ảnh hưởng đến việc đi tận cùng của vụ việc... Một khảo sát của HÐND vào đầu năm nay về thực trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố cũng cho thấy, các vụ án xâm hại trẻ em thường xảy ra tại các khu nhà trọ công nhân, lao động tự do tại các huyện ngoại thành. Những đối tượng gây án phần lớn là người thân, người quen, hàng xóm của nạn nhân.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Ngọc Sơn, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến các vụ bạo lực, xâm hại xảy ra nhưng không được xử lý kịp thời là do gia đình thường rất lúng túng, lưỡng lự trong việc thực hiện việc tố giác hành vi xâm hại trẻ. Ngoài ra, phần lớn trẻ em bị bạo lực, xâm hại và gia đình các em đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ, cho nên không dám tố cáo kẻ gây án và cố gắng che giấu.

Ðánh giá về thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND phường 14 (quận Tân Bình) Ðỗ Huỳnh Ái Hoa cho biết: Những hạn chế về công tác tuyên truyền pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó, việc tuyên truyền chưa đến được với từng hộ dân, nhất là lao động tự do đang khiến các vụ việc về xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em xảy ra mà các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát kịp thời. Phó Bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương cho rằng, hiện nay, công tác tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về tự bảo vệ trước các nguy cơ tiến công tình dục đối với các em học sinh trong độ tuổi thiếu niên chỉ mới tập trung cho đối tượng là học sinh trung học.

Cần sớm có giải pháp hiệu quả

Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị, mỗi phụ huynh cần có những hiểu biết nhất định về xâm hại trẻ em để khi có sự việc xảy ra sẽ có đủ căn cứ, bằng chứng để trình báo các cơ quan chức năng cũng như bảo vệ các nạn nhân. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nhật Nam cho rằng, các cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa trong việc phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, việc tăng nặng các chế tài xử phạt cũng như thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn sẽ góp phần hạn chế các vụ việc xảy ra. Thậm chí, cần thiết phải quy định xử lý đối với những người có ý định phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Hiện nay, nhiều hành vi liên quan đến xâm hại trẻ em như: sờ mó, cố tình đụng chạm các vùng nhạy cảm của trẻ em chưa đủ các yếu tố để cấu thành tội theo Bộ luật Hình sự. Ðây là những "khoảng hở" của pháp lý cần sớm được khắc phục để ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Trước thực trạng này, HÐND thành phố kiến nghị các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ chăm sóc trẻ em từ phường, xã, quận, huyện đến thành phố; ban hành quy trình phối hợp xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại để có căn cứ xử lý từng vụ việc cụ thể. Ngoài ra, thời gian tới, HÐND thành phố cùng các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát thi hành chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và giám sát việc xử lý các hành vi gây tổn hại đến trẻ em trên địa bàn thành phố.

Những đường dây nóng khi phát hiện trẻ bị xâm hại: UBND phường, xã, thị trấn; cơ quan công an; cơ quan lao động - thương binh và xã hội hoặc tổng đài 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em); 113, 1900545559 (Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP Hồ Chí Minh) và 18009069 (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh) để được hỗ trợ tư vấn và trợ giúp về mặt pháp lý.