Những đảng viên, nhà khoa học tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, hoạt động của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh ngày càng gắn chặt với các mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp, góp phần hoàn thành chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Đó là tâm sức của những đảng viên - nhà khoa học công tác ở đây luôn hết lòng vì tình yêu công việc, gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Giống dưa lưới do các đảng viên, nhà khoa học của Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu lai tạo.
Giống dưa lưới do các đảng viên, nhà khoa học của Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu lai tạo.

Đảng viên Hoàng Đắc Hiệt công tác ở Phòng Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cây trồng đã nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng cải rổ theo hướng hữu cơ trong nhà màng. Sau đó, nghiên cứu này cho ra loại giá thể hữu cơ gồm phân trùn quế, mụn xơ dừa. Cùng với việc sử dụng phân HTD với liều lượng 120 ml/10 lít nước phun qua lá, nghiên cứu cho kết quả rất tốt, được nhiều nhà nông thành thị áp dụng. Hay như đồng chí Vương Thị Hồng Loan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với vai trò là người quản lý bộ phận nuôi cấy mô, đã lên kế hoạch sản xuất đúng tiến độ, sắp xếp nhân sự hợp lý, nâng cao kỹ năng làm việc theo nhóm, phân công, phân nhiệm cụ thể. Kết quả là tập thể bộ phận nuôi cấy mô tế bào thực vật đã hoàn thành vượt 50 nghìn cây giống nuôi cấy mô so với kế hoạch được giao. Và đó còn là đảng viên Phạm Đình Dũng (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao) còn trực tiếp hướng dẫn đào tạo hơn 100 kỹ sư, chuyên viên nghiên cứu và công nhân trực tiếp sản xuất. Qua đó, các đảng viên trẻ và các nhà khoa học trẻ nơi đây còn chọn ra được các đối tượng cây, con, kỹ thuật canh tác phù hợp nền nông nghiệp của thành phố và các tỉnh lân cận.

Theo đồng chí Đỗ Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, các đảng viên của ban là các nhà khoa học có chuyên môn cao, cho nên ngoài rèn luyện bản thân, nghiêm túc trong nghiên cứu - chuyển giao, họ còn không ngừng cải tiến công tác quản lý nhân lực nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo. Các đề tài nghiên cứu khoa học tăng theo từng năm về số lượng lẫn chất lượng. Với sự lãnh đạo của Đảng ủy Ban, các chi bộ cơ sở còn thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, hoạt động các phòng chuyên môn; xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về ban; sau đó đào tạo, hướng dẫn và kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Chính đội ngũ ưu tú này là nguồn cảm hứng làm việc cho tất cả đảng viên vốn là kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ chuyên tâm với khoa học, là tấm gương cho các quần chúng phấn đấu.

Trong thực tế, từ các kết quả nghiên cứu, đảng viên-nhà khoa học trong toàn đơn vị đã có nhiều công trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. “Trong số này, có khoảng 85% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế. Đồng thời, đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng tốt vào chương trình đào tạo nghề cho nông dân TP Hồ Chí Minh. Làm theo gương Bác Hồ, làm theo phong cách Bác, chính là làm lợi cho nông dân, cho xã hội từ chính các nghiên cứu - chuyển giao của họ. Hiệu quả rõ nét nhất mà các nhà khoa học, đảng viên của ban mang lại trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là tăng năng suất cây trồng lên ít nhất 30% so với sản xuất truyền thống, tăng năng suất lao động, làm giảm lao động phổ thông, tăng giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra”, đồng chí Đinh Minh Hiệp, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, vui vẻ cho biết.

Đồng chí Nguyễn Thị Huệ (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao) chia sẻ: Hằng năm, chúng ta phải chi một khoản tiền rất lớn để mua hạt giống rau, dưa. Hiện nay, phần lớn hạt giống dưa lưới được các công ty hạt giống trong nước nhập khẩu từ nước ngoài để phân phối, đôi khi người nông dân không có giống để sản xuất do phải chờ hạt giống từ nhà cung cấp. Vì vậy, để bớt phụ thuộc vào hạt giống nhập khẩu, chúng tôi đã khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu, lai tạo giống trong nước nhằm giảm chi phí nhập khẩu giống từ nước ngoài cũng như đạt mục tiêu lai tạo được giống dưa lưới thích nghi với điều kiện thời tiết miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Kết quả là giống mới làm lợi hàng tỷ đồng.

Theo đồng chí Đinh Minh Hiệp, qua những kết quả đạt được có thể thấy việc thực hiện chương trình mục tiêu phát triển cây, con giống chất lượng cao (trong năm 2019) đã đi vào hiện thực hóa thông qua việc ban đã nhân, ươm và cung cấp cho các hộ nông dân hơn 780 nghìn cây rau và hoa; sản xuất và cung cấp 25 nghìn con cá cảnh... đạt chuẩn cho thị trường. Để phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố, ngoài cây con giống, kỹ thuật nuôi trồng cũng rất quan trọng. Vì vậy, với cơ cấu bộ máy tổ chức của ban có 246 người, trong đó có 52 tiến sĩ, thạc sĩ và 131 kỹ sư, chỉ trong 12 tháng của năm 2019, đơn vị mở 61 khóa tập huấn, đào tạo ngắn hạn cho hơn 2.800 học viên là cán bộ, kỹ thuật viên, sinh viên, doanh nghiệp và hộ nông dân các khối kiến thức kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp và tiếp cận thị trường cần thiết cho hoạt động của các doanh nghiệp. Sắp tới, Đảng bộ Ban tiếp tục giữ vững tính tiên phong trong nghiên cứu, thử nghiệm các kỹ thuật mới; liên tục hoàn thiện các quy trình kỹ thuật canh tác từ kết quả nghiên cứu ứng dụng xây dựng các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao nhằm hỗ trợ thông tin định hướng cho thị trường.