Những bạn trẻ khởi nghiệp

NDO -

Chuyện khởi nghiệp đến với các bạn trẻ này rất tình cờ, bởi công việc chính chẳng liên quan gì đến việc mua bán, kinh doanh. Vậy mà thật bất ngờ khi họ trình làng những sản phẩm lạ, độc đáo khiến không ít người ngạc nhiên.

Anh Nguyễn Thanh Việt giới thiệu bánh phồng khoai lang đến khách hàng.
Anh Nguyễn Thanh Việt giới thiệu bánh phồng khoai lang đến khách hàng.

Mới đây, Trung ương Ðoàn phối hợp Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vòng bán kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020" khu vực phía nam. Tại đây, không ít các bạn trẻ đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về quá trình khởi nghiệp của mình. Vừa chào mời khách dùng thử sản phẩm bánh phồng khoai lang, vừa kể câu chuyện liên quan đến đứa con tinh thần của mình, anh Nguyễn Thanh Việt (38 tuổi, quê Vĩnh Long) tạo ấn tượng bởi sự chân thật. Anh Việt vốn là giảng viên kinh tế, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế - Luật thuộc Trường cao đẳng Vĩnh Long. Nhiều lần đi công tác ở huyện Bình Tân, vùng nguyên liệu đặc sản khoai lang của tỉnh Vĩnh Long, chứng kiến cảnh người dân bán khoai với giá rẻ chỉ 500 - 1.000 đồng/kg đã thôi thúc anh nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp để nâng cao giá trị loại nông sản này. Ngày đi dạy học, tối đến anh Việt cùng vợ thử đủ các loại công thức để chế biến khoai lang. Anh kể, cứ nghiền nát khoai lang rồi trộn với bột để làm bánh, nấu chè, làm bột bánh canh, chiên, luộc, hấp… đủ các kiểu. Anh Việt tâm sự: "Những sản phẩm này chỉ có thể sử dụng trong một đến hai ngày. Tôi muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng từ khoai lang, dễ dàng chế biến, hạn sử dụng dài. Ðặc biệt, sản phẩm đó sẽ trở thành món quà tặng du lịch đặc trưng của Vĩnh Long, để khách phương xa đến địa phương này có thể mua làm quà tặng bạn bè, người thân". Hiện nay, các sản phẩm bánh từ khoai lang của anh Việt có mặt ở nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng, Trà Vinh, Long An, Vĩnh Long, các điểm du lịch, nhà hàng… và xuất khẩu là hướng đi trong tương lai. "Muốn vậy, chúng tôi phải bảo đảm theo đúng chuẩn quốc tế, hiện nay công ty đang xây dựng HACCP, ISO, chứng nhận cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm và những chứng nhận khác… Thị trường xuất khẩu là thị trường tiềm năng rất lớn cho dòng sản phẩm này", anh Việt cho biết.

Cô gái trẻ Lê Ngọc Thảo (29 tuổi, quê Tiền Giang) sau thời gian học tập và làm việc tại TP Hồ Chí Minh tâm sự, do dịch Covid-19 cho nên cô về quê ở Tiền Giang thăm gia đình. Lúc này gia đình đang bắt tay làm mẻ mắm mới. Những kỷ niệm, hình ảnh ngoại tỉ mỉ bên từng mẻ mắm ùa về, thôi thúc Ngọc Thảo phải làm gì đó cho gia đình, cho quê hương. "Mười năm xa quê, giờ đây tôi muốn trở thành "thế hệ nối tiếp" của một ngành nghề truyền thống. Tôi muốn đưa mắm xứ Gò Công lên bản đồ ẩm thực thế giới. Tháng 7-2020, tôi bắt đầu khởi nghiệp với thương hiệu mắm Khổng Tước Nguyên", Thảo chia sẻ. Ðể làm ra được mắm thành phẩm, Thảo cho biết phải sơ chế nguyên liệu, ủ mắm lên men, chà mắm, phơi mắm, kiểm tra/ngửi mắm, đóng lọ bảo quản… Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm là những điều cô quan tâm hàng đầu khi đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Cô còn áp dụng công nghệ trong một hệ thống khép kín để giữ cho chất lượng mắm tươi ngon và tránh nhiễm tạp khuẩn. Bên cạnh đó, Ngọc Thảo tiếp cận phương thức bán hàng hiện đại như đưa hàng lên các trang trên thương mại điện tử uy tín, bán hàng qua mạng xã hội... để người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn. "Một bộ phận khách hàng mà tôi đang hướng tới là những người Việt xa quê, nhớ thương mắm Việt. Rất nhiều người Việt xa quê, mỗi lần trở về là khệ nệ mang theo vài chục ký mắm tôm chà, mắm chua... để cất trong tủ đông ăn dần. Chỉ cần đặt tâm huyết của mình vào làm, mọi mẻ mắm đều ngon", Thảo tâm sự.

Ðang có việc làm tại TP Hồ Chí Minh nhưng lại đam mê làm vườn, chị Hà Thị Như Bình (ngụ tỉnh Ðồng Nai) bàn với chồng về quê mua đất rẫy trồng cây ăn trái. Dần dần, chị học cách điều chế, tách chiết tinh dầu từ thiên nhiên để tạo thành sản phẩm tẩy tế bào chết, làm sạch da, sản phẩm dưỡng ẩm… Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào việc thì không hề đơn giản, chị tự tìm tài liệu từ sách vở, in-tơ-nét, các website nước ngoài để học cách làm mỹ phẩm thủ công từ thiên nhiên. Các sản phẩm sau khi thành hình đều được chị gửi lên TP Hồ Chí Minh để kiểm tra độ an toàn trước khi sử dụng. Hiện tại, chị Bình đã tạo ra sản phẩm nước rửa mặt, dầu gội đầu, kem dưỡng ẩm, sáp bôi trị côn trùng cắn dành cho em bé… và ký gửi cho một công ty dược phân phối. Chị cũng đang ấp ủ thực hiện các buổi trao đổi kiến thức và du lịch trải nghiệm. Theo đó, du khách đến với vườn, ngoài tham quan sẽ được hướng dẫn tự làm các sản phẩm chăm sóc da với nguyên liệu tự nhiên trong căn bếp dành riêng cho khách.

Giám đốc Công ty Tư vấn Người mở đường Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Các bạn khởi nghiệp mà biết đổi mới sáng tạo sẽ có nhiều cơ hội hơn người khác. Vừa qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều nhất đến khâu kết nối khách hàng, do đó chỉ cần giải quyết tốt khâu tiếp thị, cách thu hút khách hàng thì các bạn vẫn có cơ hội. Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp nhưng đối với khởi nghiệp sáng tạo, thì đây lại là cơ hội để các bạn trẻ chứng minh khả năng của mình".