Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững ở huyện Nhà Bè

Kết quả thống kê nguồn cung lao động cho thấy đầu năm 2015 tại huyện Nhà Bè có 6.553 người thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 7,4% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên; số lao động cần đào tạo nghề là 17.713 người, chiếm 20%. Dự báo từ năm 2016
đến năm 2020, toàn huyện có 31 nghìn lượt người cần việc làm. Việc hình thành và phát triển Khu Công nghiệp - Đô thị cảng Hiệp Phước, cùng các dự án xây dựng nông thôn mới tại các xã cần có một nguồn nhân lực để đáp ứng.

Huyện Nhà Bè thường xuyên tổ chức sàn giao dịch, giới thiệu việc làm cho thanh niên, người lao động.
Huyện Nhà Bè thường xuyên tổ chức sàn giao dịch, giới thiệu việc làm cho thanh niên, người lao động.

Trước nhu cầu thực tiễn tại địa phương, thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Nhà Bè lần thứ 11, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Nhà Bè đã ban hành và lãnh đạo thực hiện Chương trình "Học chữ, học nghề, giải quyết việc làm gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020", xác định công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ mang tính lâu dài, giúp người lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống, đồng thời đáp ứng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế thương mại - dịch vụ - công nghiệp của huyện phát triển bền vững.

Qua ba năm thực hiện, huyện Nhà Bè đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hằng năm, huyện dành ngân sách thỏa đáng để đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy và học; tập trung xây dựng các trường theo chuẩn quốc gia, chuẩn cơ sở vật chất theo chương trình nông thôn mới. Ðến nay, toàn huyện có 13 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có sáu trường mầm non, năm trường tiểu học, hai trường THCS. Thời gian qua, ngành giáo dục cũng tập trung công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhờ đó mà chất lượng giáo dục ở các cấp học, ngành học ngày càng được nâng lên, kết quả thực hiện nhiệm vụ các năm học đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác phân luồng học sinh THCS được huyện Nhà Bè triển khai cụ thể, gắn với định hướng nghề nghiệp, định hướng con đường học tập phù hợp khả năng, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và học sinh, phù hợp nhu cầu xã hội. Trên cơ sở đó, UBND huyện chỉ đạo ngành giáo dục, các đơn vị chủ động phối hợp các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề trong tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin tuyển sinh; thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình nghỉ, bỏ học của học sinh để kịp thời vận động, thuyết phục tham gia học nghề… Kết quả, số học sinh tham gia phân luồng sau tốt nghiệp THCS có sự chuyển biến tích cực, năm 2016 đạt 18,41%, năm 2017 đạt 22,88% (chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ là 20%).

Hằng năm, trên cơ sở rà soát các danh mục đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, hoặc vận động các cơ sở dạy nghề công lập mở các lớp đào tạo ngành nghề mới, đào tạo chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Có đến 9.518 lượt cá nhân được đào tạo nghề ngắn hạn, trong đó đào tạo nghề cho 2.689 lượt lao động nông thôn, đạt 28,25%. Ngoài ra, các hội, đoàn thể huyện cũng đã mở 30 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho đoàn viên, hội viên, với gần 1.000 lượt hội viên, đoàn viên tham gia. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã giới thiệu việc làm cho 17.415 lượt lao động, đạt 112,35% kế hoạch, trong đó lao động có việc làm ổn định trong khu công nghiệp, thương mại - dịch vụ là 8.855 lượt, đạt 118,1% kế hoạch.

Ðáng chú ý, huyện Nhà Bè trong nhiều năm liền đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo như đẩy mạnh giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, liên kết sản xuất, đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, xây dựng 122 nhà tình thương, sửa chữa chống dột 59 căn, xây mới căn nhà mơ ước, cấp 26.521 thẻ bảo hiểm y tế… với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả khả quan, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,08% vào đầu năm 2016 xuống còn 2,7%, toàn huyện không còn hộ gia đình chính sách nghèo.

Đồng chí Nguyễn Kim Ngọc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nhà Bè cho biết: "Chương trình học chữ, học nghề, giải quyết việc làm gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020 bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, hầu hết 16 chỉ tiêu của Chương trình đề ra đến nay đều đạt và vượt theo tiến độ, nhất là các chỉ tiêu về giáo dục; tỷ lệ phân luồng học sinh, đạt 22% (chỉ tiêu 20%); tỷ lệ đào tạo nghề ngắn hạn (hằng năm đào tạo hơn 2.000 học viên), tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ 83% (chỉ tiêu tối thiểu 80%); giải quyết việc làm vượt chỉ tiêu hằng năm. Hệ thống trường, lớp từng bước được hoàn thiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, từ đó chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Các loại hình đào tạo ngành nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngày càng đa dạng, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo đa chiều".