Nhiều giải pháp "cứu" du lịch

Sau thời gian ngắn khôi phục với nhiều hoạt động sôi nổi, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục "đóng băng" khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ngành du lịch thành phố đang nỗ lực bảo đảm "sức khỏe" cho các doanh nghiệp (DN) du lịch để có thể tái khởi động ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Ðường sách TP Hồ Chí Minh vắng vẻ khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát.
Ðường sách TP Hồ Chí Minh vắng vẻ khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát.

Khi TP Ðà Nẵng có công văn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng từ ngày 26-7, các DN du lịch đồng loạt hoãn, hủy các chương trình đã và đang triển khai đi Ðà Nẵng. Khách du lịch hoãn, hủy chương trình du lịch đã đăng ký trong tháng 7, tháng 8, và tháng 9 năm 2020 tăng cao. Thậm chí, nhiều chương trình du lịch đi Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Ðà Lạt cũng bị du khách hủy. Ðại diện Công ty Viettravel cho biết, chỉ trong hai ngày 26 và 27-7, công ty đã bị hủy 20.970 chương trình du lịch với doanh thu dự kiến là 88,6 tỷ đồng. Trong khi đó, phía Công ty SaigonTourist cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Ðà Nẵng, hơn 10.000 chương trình du lịch của công ty đã bị hủy... Nhiều DN khác như Bến Thành, Hòa Bình, TST, Ðất Việt... cũng bị khách hàng hủy tua từ 5.000 chương trình du lịch trở lên.

Theo Sở Du lịch thành phố, đa số khách hàng đã hủy tua đến Ðà Nẵng, các tuyến du lịch miền trung, Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Ðà Lạt cho đến tháng 9 năm nay. Mỗi ngày, các DN lữ hành chỉ phục vụ vài đoàn khách, chủ yếu di chuyển bằng đường bộ đến các địa phương không có người nhiễm Covid-19 và gần thành phố, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, số lượng tua tổ chức chỉ bằng 3 đến 5% số chuyến so dự kiến ban đầu. Ðại diện Công ty cổ phần xây dựng du lịch Hải Ðăng cho biết: Khi dịch bệnh mới bùng phát hồi tháng 1, mảng tua quốc tế hầu như bị tê liệt hoàn toàn. Khi dịch bệnh tạm lắng xuống, công ty đã tập trung vào mảng du lịch trong nước. Trong tháng 6 và tháng 7, công ty tổ chức nhiều tua du lịch trong nước, chiếm khoảng 80% so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát đợt hai, mảng du lịch trong nước bị ảnh hưởng nặng nề do khách hủy tua, vì thế thiệt hại còn nặng hơn so với đợt một. Thống kê của Sở Du lịch thành phố đến thời điểm hiện nay cho thấy, đã có khoảng 90 đến 95% số DN lữ hành tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít DN còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng; nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không hưởng lương.

Từ thực trạng nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, TP Hồ Chí Minh đã có những chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ DN. Nhiều đơn vị hoạt động lĩnh vực du lịch trên địa bàn đã được hỗ trợ, giải quyết những khó khăn bước đầu do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên số lượng DN được hỗ trợ vẫn còn khá khiêm tốn. Theo Sở Du lịch thành phố, đến nay mới có 7 trong tổng số 50 DN lữ hành, cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá bán điện, 21 công ty lữ hành và 436 hướng dẫn viên được hưởng chính sách giảm phí, lệ phí... Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Hiện, các DN rất quan tâm đến các chính sách tín dụng để vay vốn chi trả lương cho nhân viên nhưng lại rất khó tiếp cận vốn vay. Nhiều người lao động, DN lữ hành chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ; các quy định điều kiện nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể đối với nghề hướng dẫn viên cho nên phải thực hiện nhiều thủ tục xác nhận... Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng chia sẻ: Hiện DN du lịch cần nhất là được hỗ trợ vốn để tồn tại, cũng như được giảm lãi suất vay, giảm thuế.

Để "giải cứu" ngành du lịch, Sở Du lịch thành phố đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH - TT - DL) chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp theo hai kịch bản trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị Chính phủ một số nội dung trọng tâm nhằm hỗ trợ DN. Cụ thể, trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong tháng 9-2020, Sở Du lịch tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch trong nước; đẩy mạnh tuyên truyền để DN du lịch và du khách bảo đảm các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người dân và du khách khi tham gia các chương trình du lịch. Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm: Sở đã đề xuất Bộ VH - TT - DL kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện cho DN du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ðồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu chính sách hỗ trợ cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ DN vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và phải hoàn lại trong vòng một năm để có nguồn vốn tái khởi động, hoạt động kinh doanh nhằm giúp các DN lữ hành tiếp tục duy trì hoạt động, hạn chế trường hợp rút giấy phép để lấy lại tiền ký quỹ và hoạt động kinh doanh lữ hành không phép...

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết quý IV năm 2020, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, bên cạnh các nhóm giải pháp nêu trên, Sở Du lịch sẽ tập trung nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch; hỗ trợ DN tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế. Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi công nghệ số với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng của DN ngành du lịch.