Nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung cấp thịt heo

Trước biến động về mặt hàng thịt heo trên thị trường, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đưa ra nhiều giải pháp: Giữ giá hàng bình ổn, nhập khẩu thịt heo, sắp xếp lại hình thức chăn nuôi để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Nguồn cung cấp thịt heo giá tốt của hệ thống siêu thị Co.opMart, Co.opXtra.
Nguồn cung cấp thịt heo giá tốt của hệ thống siêu thị Co.opMart, Co.opXtra.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: Tại khu vực miền nam, giá heo hơi hiện đã đạt mức bình quân 80.000 đến 83.000 đồng/kg, thậm chí, có nơi vượt 90.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với đầu tháng 9-2019. Dịch tả heo châu Phi là nguyên nhân chủ yếu làm cho tổng đàn heo cả nước giảm khoảng 30% so với năm 2018. Trong khi đó, tại các địa phương chuyên cung cấp heo thịt cho thành phố, tổng đàn bị giảm sút mạnh, điển hình như Đồng Nai đã giảm 52,4% so với thời điểm tháng 4-2019, hiện duy trì ở mức 1.285.628 con. Nguồn cung heo thịt trong nước giảm, lượng thịt nhập khẩu qua cửa khẩu ở TP Hồ Chí Minh cũng tăng rất mạnh. Tính từ đầu năm đến ngày 10-12, lượng thịt heo nhập khẩu qua cửa khẩu thành phố đạt 13.231 tấn, tăng 7.130 tấn (117%) so cùng kỳ năm 2018. Lượng thịt nhập khẩu tăng do giá thịt heo nhập khẩu chỉ tương đương khoảng 70% giá heo trong nước.

Trước biến động của thị trường thịt heo, gần đây ngành công thương cùng với các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường. Cụ thể, ngành công thương đang phối hợp các sở, ngành triển khai các giải pháp trong tình huống thị trường giai đoạn 2 (nguồn cung giảm, giá tăng). Theo đó, tập trung theo dõi sát thị trường thịt heo và thực phẩm thay thế (thịt gia cầm, rau, củ, quả); triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; kích cầu các mặt hàng thay thế (thịt gia cầm, rau, củ, quả); khuyến khích DN tăng cường nhập khẩu thịt heo và tổ chức kích cầu thị trường thịt heo đông lạnh.

Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan Phan Văn Dũng cho biết, Tết năm nay, tổng giá trị hàng hóa Vissan dự trữ là 800 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết 2019. Theo đó, Vissan cung ứng ra thị trường hơn 7.500 tấn hàng hóa, gồm thịt heo tươi sống, bò 2.500 tấn (tăng 5% so với cùng kỳ), thực phẩm chế biến 5.000 tấn (tăng 17% so với cùng kỳ). Vissan còn chuẩn bị 3.000 tấn nguyên liệu thịt heo đông lạnh được đóng gói (một đến hai kg/gói) để phòng khi thị trường thịt heo nóng biến động. Theo ông Dũng, dịp Tết Canh Tý 2020, Vissan sẽ cung ứng đầy đủ lượng thịt heo mà thành phố giao, với mức giá bán theo giá bình ổn thị trường. Không chỉ có Vissan, nhiều DN tham gia chương trình hàng bình ổn thị trường cũng đã cam kết duy trì mức giá thịt heo do Sở Tài chính thành phố công bố ngày 13-11-2019. Đại diện Công ty C.P. Việt Nam cho biết, mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường khoảng 13.000 đến 16.000 con heo thịt, chủ yếu cung cấp cho những đối tác lâu năm. Mặc dù, giá bán trên thị trường vào thời điểm này đã vượt lên 90.000 đồng/kg nhưng công ty chỉ bán heo hơi 80.000 đồng/kg, công ty chấp nhận lỗ để góp phần kéo giảm giá thịt heo trên thị trường. Từ nay đến cuối năm, C.P. Việt Nam vẫn bán đúng giá bình ổn đối với mặt hàng thịt heo như đã cam kết với TP Hồ Chí Minh.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: Để bình ổn thị trường thịt heo từ nay đến Tết Canh Tý 2020, Sở Công thương đã kiến nghị UBND thành phố đề nghị các cơ quan trung ương có chính sách tăng cường nhập khẩu thịt heo đông lạnh, heo hơi từ các nước lân cận (chưa nhiễm dịch hoặc có thể kiểm soát dịch) và có chính sách giảm hoặc miễn thuế suất đối với thịt heo nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, cần tổ chức bài bản khâu truyền thông đối với người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng thịt heo nóng sang thịt heo mát nhập khẩu, dùng các loại thực phẩm khác để thay thế thịt heo… Đề nghị thành phố có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp khuyến khích tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi có cơ sở vật chất tốt, bảo đảm khả năng phòng, chống dịch (kể cả trong vùng nhiễm dịch). Đối với ngành công thương, sẽ tiếp tục có các giải pháp tổ chức kết nối, hỗ trợ các công ty chăn nuôi gia súc mở rộng thị trường, đưa sản phẩm thịt heo cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng (đã giết mổ, pha lóc) thông qua hệ thống phân phối của thành phố.

Gần đây ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn giá thịt heo và đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Phó Tổng giám đốc Công ty C.P. Việt Nam Kiều Minh Lực cho rằng, giải pháp tăng khối lượng xuất chuồng là phương án tăng sản lượng nhanh nhất vì tốc độ sinh trưởng giai đoạn 100 đến 120 kg có thể đạt 0,8 kg/ngày. Sau khi trừ đi số heo thịt đã tiêu hủy thì tổng đàn heo thịt hiện có khoảng 19 triệu con, trong đó 65% là heo thịt từ các giống năng suất cao và nếu thay đổi trọng lượng xuất chuồng từ 100 kg/con lên 120 kg/con thì tổng sản lượng thịt hơi sẽ tăng lên 480.000 tấn/năm và có thể bù đắp toàn bộ lượng thịt heo thiếu hụt do dịch bệnh.