Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng thi công dở dang, chậm tiến độ hoặc thiếu vốn thực hiện.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã gửi Bộ Giao thông vận tải dự thảo tờ trình về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo dự tính ban đầu, dự án này sẽ đi vào hoạt động năm 2017. Tuy nhiên, do thiếu vốn cho nên hiện khối lượng thi công tổng thể toàn dự án metro số 1 mới đạt 56%, dự kiến phải đến năm 2020 mới đưa vào vận hành. Đó là chưa kể, việc điều chỉnh vốn dự án từ khoảng 17.388 tỷ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007 tăng lên 47.325 tỷ đồng, vẫn đang trong quá trình xin chủ trương chưa biết khi nào được phê duyệt. Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dự án được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 26 nghìn tỷ đồng, nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn xúc tiến thủ tục xây dựng, dự kiến điều chỉnh sẽ tăng lên gần 48 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ các dự án metro mà nhiều dự án đường bộ khác cũng rơi vào tình trạng thi công kéo dài. Tháng 10-2015, dự án BOT (dài 2,7 km) nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được khởi công với vốn đầu tư lên đến 1.557 tỷ đồng. Theo tiến độ, thời gian hoàn thành dự án khoảng 20 tháng nhưng đến nay đã gần ba năm trôi qua, dự án chỉ mới triển khai thi công ở từng phân đoạn. Nguyên nhân, do dự án mới chỉ giải tỏa thu hồi được 74% mặt bằng, nhiều hộ chưa nhận tiền đền bù, chưa di dời cho nên thi công bị ách lại, máy móc nằm phơi sương từ nhiều tháng nay. Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 2 cũng chưa được khép kín do còn vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Đường vành đai 2 có chiều dài 64 km, là tuyến đường quan trọng của thành phố nhưng hiện vẫn còn 14 km chưa được khép kín, bao gồm 8 km ở phía quận 9, quận Thủ Đức và 6 km ở phía quận 8, huyện Bình Chánh. Ngoài đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đang triển khai thi công, hiện thành phố vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh; đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức). Mục tiêu của thành phố là sẽ khép kín toàn tuyến này trước năm 2020.

Theo đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, công tác chuẩn bị trên công trường của các nhà thầu khá đầy đủ thiết bị, nhân lực. Tiến độ một số hạng mục chậm là do vướng mặt bằng. Các bộ phận đang tập trung thi công để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú - Bắc Ái (chủ đầu tư dự án), cho biết: Đến nay, nguồn vốn cho dự án đã được chuẩn bị sẵn sàng cho nên rất thuận lợi cho các nhà thầu, lo ngại nhất là mặt bằng còn vướng rất nhiều. Một số nơi vướng theo kiểu “da beo” do đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Theo đó, một dự án mang tính chất liên vùng là đường Vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ lâu, nhưng vẫn không thể triển khai do chưa tìm được cơ chế và nguồn vốn thực hiện. Tuyến đường này dài 89,3 km, đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An theo lộ trình bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang xây dựng) đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn, quốc lộ 22 và kết thúc tại Bến Lức. Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội để xây dựng dự án đường Vành đai 3. Theo quy định, tuyến Vành đai 3 do đi qua nhiều tỉnh, thành phố cho nên thuộc trách nhiệm đầu tư của Trung ương. Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu cấp bách của địa phương, TP Hồ Chí Minh sẽ ứng vốn ngân sách và tạm ứng các nguồn lực khác để triển khai thực hiện. Sau đó, ngân sách Trung ương hoàn trả chi phí thành phố đã ứng đầu tư khi đưa dự án vào sử dụng theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Việc thực hiện thí điểm dự án đường Vành đai 3 được xem là tiền đề thuận lợi để thành phố tiếp tục áp dụng vào các công trình giao thông trọng điểm khác.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố có tổng cộng 172 dự án giao thông với mức đầu tư 320 nghìn tỷ đồng, trong đó, các dự án ưu tiên cần khoảng 284 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu vốn, cộng với các phương án thu hút đầu tư thực hiện chưa tốt cho nên ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu về chiều dài đường và số cây cầu làm mới, mật độ đường giao thông và tỷ lệ đất dành cho giao thông. Việc tạm dừng xem xét, đề xuất các dự án PPP trong hơn 10 tháng qua tại TP Hồ Chí Minh và bố trí vốn ngân sách đầu tư thấp hơn nhiều so với nhu cầu, dẫn đến khả năng cao không đạt được một số chỉ tiêu về phát triển hạ tầng giao thông. Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, trước mắt, trong năm 2018, thành phố sẽ thi công và hoàn thành một số dự án giao thông trọng điểm như xây dựng cầu Nam Lý (quận 2, quận 9, gần 860 tỷ đồng), xây dựng đường D1 (kết nối Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và Khu dân cư Him Lam, vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng), xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2, huyện Nhà Bè, vốn đầu tư 411 tỷ đồng).

Liên quan việc đầu tư dự án giao thông, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực phía đông thành phố, giảm kẹt xe cảng Cát Lái, Khu công nghệ cao, Khu chế xuất và Khu công nghiệp, Sở Giao thông vận tải thành phố vừa kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép các dự án đầu tư được triển khai theo hình thức BT. Cụ thể là dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường 990 đến nút giao Vành đai 2), dự án nạo vét tuyến sông Tắc (quận 9), xây mới cầu Trường Phước và mở rộng đường Trần Đại Nghĩa (từ nút giao với quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Long An).