Nhiều dự án chống ngập thi công chậm, chưa phát huy hiệu quả

Theo phản ánh của nhiều địa phương ở TP Hồ Chí Minh, do thiếu vốn đầu tư và vướng đền bù giải phóng mặt bằng cho nên một số dự án chống ngập kéo dài tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Cùng với đó, hành vi xả rác, lấn chiếm cửa xả, kênh rạch... chưa được xử lý triệt để dẫn đến chưa thể giải quyết tình trạng ô nhiễm và ngập úng một cách căn cơ.

Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.
Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.

Đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, ngoài các dự án chống ngập đang triển khai, quận có hai dự án quy mô lớn là cải tạo rạch Xuyên Tâm và rạch Văn Thánh với kinh phí đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, chủ trương cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa “nhúc nhích” khiến hàng nghìn hộ dân ở các phường 12, 15, 24 phải sống trong cảnh ô nhiễm, ngập nước, nhất là vào mùa mưa.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có khoảng 3.700 hộ gia đình và cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng với tổng giá trị bồi thường và vốn đầu tư chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh rạch khoảng 8.658 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương cho biết, dự ước kinh phí đền bù giải tỏa khoảng 3.700 tỷ đồng cho nên quận đề nghị thành phố tách riêng phần đền bù giao quận làm chủ đầu tư; việc xây dựng cần kêu gọi nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công tư (BT). Tuy nhiên, chủ trương kêu gọi đầu tư vào dự án bằng hình thức BT đang tạm dừng theo yêu cầu của thành phố; cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị, nhất là nhà trên kênh, rạch còn chung chung dẫn đến khó thu hút nhà đầu tư tham gia. Như vậy, những dự án có vốn đầu tư lớn, giải quyết ngập cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn quận chưa biết đến bao giờ mới thực hiện.

Năm 2019, quận Bình Thạnh cũng thực hiện đầu tư năm dự án chống ngập với gần 500 hộ dân nằm trong diện giải tỏa. Ðể đẩy nhanh tiến độ của dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách thành phố, quận Bình Thạnh kiến nghị thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm hỗ trợ trong việc thẩm định, trình duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tại các dự án để quy trình phê duyệt giá bồi thường được thực hiện nhanh nhất.

Cũng liên quan công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đại diện UBND quận 8 cho biết, trên địa bàn quận còn nhiều tuyến đường quan trọng chưa có hệ thống thoát nước như đường Tạ Quang Bửu (đoạn từ quốc lộ 50 đến hẻm 2385 đường Phạm Thế Hiển, phường 6 và đoạn từ đường Phạm Hùng đến đường Cao Lỗ, phường 4). Ðường Phú Ðịnh chưa được triển khai thi công đồng bộ do vướng đền bù giải phóng mặt bằng hoặc đã có mặt bằng nhưng là “da beo” cho nên tiến độ thi công cầm chừng, không bảo đảm kết nối hạ tầng…

Theo Ban quản lý dự án Ðầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố, để giải quyết chống ngập căn cơ cho một số khu vực trên địa bàn quận 8 thì thành phố cần nguồn vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án đang chờ thành phố thẩm định và phê duyệt nguồn vốn để triển khai trong giai đoạn 2019-2020; một số dự án đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư bằng hình thức PPP.

Lãnh đạo UBND quận 8 cho biết, trong giai đoạn 2016-2019, các dự án chống ngập do quận làm chủ đầu tư chủ yếu là nạo vét các tuyến kênh, rạch bị bồi lắng, khơi thông cửa xả để hỗ trợ tiêu thoát nước ở các khu vực dân cư. Ðể giải quyết ngập úng căn cơ, lâu dài thì phải chờ các dự án lớn mà thành phố đang triển khai như dự án chống ngập do thủy triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu do Tập đoàn Trung Nam thi công; dự án nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn có kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng; dự án nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé (quận 8 - huyện Bình Chánh) có mức đầu tư 1.250 tỷ đồng.

Trong khi một số quận nội thành giải quyết tình trạng ngập úng chưa thật sự căn cơ thì tình trạng ngập trên địa bàn huyện Hóc Môn lại có dấu hiệu tăng lên, năm sau ngập sâu hơn năm trước. Toàn huyện hiện có 43 điểm ngập đang được tập trung xử lý. Lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn nhìn nhận, thời gian qua, hoạt động san lấp trái phép, lấn chiếm sông, kênh, rạch, hệ thống thoát nước vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến hệ thống tiêu thoát nước của khu vực. Ngoài ra, do ý thức kém của một bộ phận người dân cho nên tình trạng xả rác bừa bãi còn xảy ra làm bít, tắc nghẽn dòng chảy, giảm hiệu quả của hệ thống tiêu thoát nước. Hiện, trên địa bàn huyện Hóc Môn có 111 tuyến đường, hẻm và 13 tuyến kênh nằm trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp và nạo vét nhưng do chưa được thành phố phân bổ nguồn vốn đầu tư cho nên nguy cơ sẽ phát sinh thêm các điểm ngập nước mới.

Xả rác, lấn chiếm sông, kênh, rạch, bít cửa xả và hệ thống thoát nước cũng là thực trạng chung tại một số địa phương. Ðây là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường ngày càng nặng ở các khu dân cư. Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HÐND thành phố Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình nhận định, thực tế, mỗi dự án nạo vét, duy tu và cải tạo các tuyến kênh, rạch do quận, huyện làm chủ đầu tư đều có kinh phí không nhỏ, do đó, các địa phương phải thực hiện giám sát, kiểm tra và xử phạt thật nặng tình trạng xả rác bừa bãi. Có như vậy, các dự án nạo vét chống ngập mới không bị lãng phí, bảo đảm phát huy tốt hiệu quả.

Ðể việc chống ngập được thực hiện đồng bộ, bảo đảm sự kết nối hạ tầng thoát nước giữa các khu vực và các địa bàn giáp ranh, chính quyền các địa phương mong muốn thành phố cần sớm phê duyệt vốn đầu tư các dự án chống ngập cấp bách. Ðối với các dự án có vốn đầu tư lớn, ảnh hưởng đến nhiều địa phương, thành phố cần yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng thi công trì trệ ảnh hưởng đến đời sống của người dân...