Nhiều chương trình bổ ích dành cho công nhân

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động, chương trình bổ ích, ý nghĩa nhằm hỗ trợ công nhân (CN), người lao động nâng cao nhận thức về lịch sử cách mạng Việt Nam và nâng cao khả năng tự bảo vệ khi làm việc trong môi trường có nhiều nguy hiểm.

Huấn luyện kỹ năng tự vệ cho công nhân vệ sinh Công ty Dịch vụ công ích quận 3.
Huấn luyện kỹ năng tự vệ cho công nhân vệ sinh Công ty Dịch vụ công ích quận 3.

Khởi động từ cuối tháng 10-2018 đến nay, Chương trình “Ðưa bảo tàng đến với công nhân” do LÐLÐ thành phố phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thực hiện được xem như một phương thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng theo hình thức trực quan sinh động, mang hoạt động văn hóa ý nghĩa đến với CN, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN), đơn vị, nhất là CN ở các khu chế xuất, khu công nghiệp có đông lao động. Sau khi thực hiện tại 15 DN và đơn vị có đông CN, lao động trên địa bàn thành phố, đầu tháng 1-2019, bảo tàng lưu động với hơn 25 chủ đề về chiến tranh lại tiếp tục “dừng chân” tại khuôn viên của Công ty TNHH Pouchen (quận Bình Tân), thu hút sự tham gia của hàng nghìn CN đang làm việc tại nhà máy. Tranh thủ giờ tan ca chiều, chị Phan Thị Hồng Thắm, CN khu K dừng chân trước khu vực bảo tàng lưu động trưng bày những hình ảnh về chiến tranh. Chị chăm chú theo dõi và chia sẻ: “Mình rất thích tìm hiểu về lịch sử nhưng lại không có điều kiện đến bảo tàng. Nay Công đoàn thành phố mang bảo tàng đến với công nhân thật là một cách làm hay và sinh động”. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouchen Củ Phát Nghiệp, bảo tàng lưu động được lưu lại tại công ty ba ngày. Công nhân rất ủng hộ chương trình này, vì qua đây họ hiểu thêm về lịch sử và chiến tranh cũng như thấu hiểu sự hy sinh đầy gian khổ của ông cha ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Trước đó, gần 500 CN của Công ty TNHH May mặc King Star (quận Bình Tân) cũng đã được tham quan bảo tàng lưu động tại nhà máy vào ngày 17-11-2018. Tại đây, hơn 200 bức ảnh với các chủ đề: "Tội ác ở nhà tù Phú Quốc" và "Nhân đạo" đã được giới thiệu đến đông đảo CN. Những hình ảnh ấy đã giúp CN hiểu rõ hơn về những tội ác, nỗi đau của chiến tranh; cùng với chiến tranh là những hoạt động nhân đạo, những tấm lòng vị tha và tình người khi cuộc chiến đi qua. Phó Chủ tịch LÐLÐ TP Hồ Chí Minh Hồ Xuân Lâm cho biết: Sau hơn hai tháng thực hiện Chương trình “Ðưa bảo tàng đến với công nhân”, đã có gần bảy nghìn CN, lao động đang làm việc tại 16 DN, đơn vị có điều kiện tương tác với chương trình. Ðây là hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, công nhân viên chức-người lao động về truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam trong công cuộc giành độc lập, thống nhất đất nước. Theo LÐLÐ thành phố, đến hết tháng 1-2019 sẽ có tổng cộng 18 bộ chuyên đề gồm "Khát vọng hòa bình" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Tội ác ở nhà tù Phú Quốc", "Hậu quả của chất độc da cam đi-ô-xin", "Phụ nữ trong chiến tranh", "Người chiến sĩ hôm nay"… với hơn 500 bức ảnh, pa-nô tuyên truyền được trưng bày tại nhà máy phục vụ công nhân. Mỗi đợt triển lãm sẽ kéo dài từ 3 đến 5 ngày, tùy theo đặc thù hoạt động của đơn vị.

Một hoạt động cũng hết sức ý nghĩa được Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh phối hợp với các LÐLÐ quận, huyện tổ chức là bồi dưỡng kỹ năng tự vệ cho nữ CN vệ sinh trên địa bàn thành phố. Chương trình được khởi động giữa tháng 11-2018, thu hút 32 nữ CN vệ sinh thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 3 tham gia. Võ sư Lê Hoàng Mai, Trưởng Bộ môn Akido - Cung Văn hóa Lao động thành phố đã trực tiếp hướng dẫn cho nữ CN về những kỹ năng tự vệ khi bị đối phương bóp cổ từ phía trước, phía sau hay phản đòn khi bị tiến công bằng mũ bảo hiểm, hung khí; gạt tay gỡ khóa và tiến công khi gặp tình huống nguy hiểm... Nữ CN Lê Thị Hoa cho rằng, lớp học này dù chỉ vài buổi nhưng rất hữu ích với nữ CN vì làm vệ sinh đường phố vào ban đêm có nhiều rủi ro chực chờ, nhất là bị đối tượng nghiện hút đe dọa. Chị em CN sau khi thực hành tỏ ra khá thích thú bởi như việc hóa giải các đòn tiến công, không nhất thiết phải cần sức mạnh.

Ðến nay, chương trình đã triển khai hướng dẫn kỹ năng tự vệ cho gần 400 nữ CN các công ty công ích tại các quận 5, 6, 8 và Tân Bình. Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao động thành phố Phạm Hữu Phước Huy cho biết: Do đặc thù ngành nghề, thời gian làm việc thường vào đêm khuya nên nữ CN vệ sinh ở các quận, huyện rất cần được trang bị kỹ năng tự vệ. Ðây là lớp huấn luyện bổ ích dành cho chị em, đặc biệt là nữ CN làm nhiệm vụ vệ sinh đường phố vào đêm khuya. Năm 2019, Cung Văn hóa Lao động sẽ tiếp tục mở rộng các lớp học đến các DN, nhất là các DN có CN đi ca về khuya, địa bàn hẻo lánh để chị em có kỹ năng phòng vệ khi cần thiết.