Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

Với nhiều nội dung khuyến khích, hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Trong đó, phần lớn tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp thành phố.

Hợp tác xã Nấm Việt bày bán sản phẩm.
Hợp tác xã Nấm Việt bày bán sản phẩm.

Công ty cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát tuy mới đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Doanh nghiệp này đang đầu tư công nghệ trồng dưa lưới VietGAP trên diện tích 2,3 ha (ấp 7, xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Giám đốc Công ty Nông Phát Trang Quốc Dũng cho biết, khâu sản xuất từ việc lựa chọn hạt giống, gieo trồng trên giá thể, kiểm soát dinh dưỡng, phòng ngừa cách ly mầm bệnh… đều được theo dõi trên phần mềm điều khiển tự động, thông qua hệ thống theo dõi thông minh và dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện sản phẩm dưa lưới của Nông Phát đã xuất khẩu sang Xin-ga-po, Nhật Bản… với giá cả ổn định từ 45.000 đến 48.000 đồng/kg. Ngoài sản phẩm dưa lưới các loại, công ty cũng đang mở rộng diện tích để sản xuất một số loại rau ăn lá cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu không nhỏ, khoảng 530 triệu đồng/1.000 m2.

Xu hướng đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp là khát vọng của rất nhiều doanh nghiệp đi theo hướng nông nghiệp sạch. Dẫu vậy, vấn đề vốn đầu tư, đất sản xuất… luôn là rào cản khiến doanh nghiệp chùn bước. Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) Hoàng Thanh Hải cho biết, đơn vị của mình mới thành lập cho nên gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư ban đầu. “Chúng tôi rất cần vốn để mở rộng mô hình sản xuất, sắm sửa vật tư và nhà sơ chế rau. Bản thân hợp tác xã có tài sản thế chấp để vay ngân hàng nhưng nộp đơn đã ba tháng vẫn chưa được ngân hàng phản hồi”, ông Hải nói. Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Ðình Ðức chia sẻ: UBND huyện đã phối hợp Ban Quản lý Nông nghiệp công nghệ cao thành phố, triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2017, trên địa bàn huyện có 26 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 303,5 ha, tăng 285,3 ha so với năm 2016. Các mô hình này tập trung sản xuất rau an toàn, bò sữa, hoa lan, cây cảnh… phù hợp nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên của huyện.

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp nông thôn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Trần Tấn Quý thông tin, kể từ khi Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong vòng hai năm gần đây, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn thành phố cũng tăng lên đáng kể. Tính đến nay, đã có hơn 300 doanh nghiệp nông nghiệp mới được thành lập, đưa số lượng doanh nghiệp nông nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn lên khoảng 1.300 doanh nghiệp. Kết quả này cũng giúp thành phố tiến gần đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 500 nghìn doanh nghiệp; trong đó có ít nhất 1.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động. Mới nhất là Quyết định số 655/QÐ-UBND ngày 12-2-2018, quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sẽ được hỗ trợ từ 60 đến 100% lãi suất khi vay vốn mua giống, thức ăn, vật tư; mua nguyên vật liệu; ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp thủy sản trên địa bàn thành phố; chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ thành lập mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020… Giám đốc Hợp tác xã Nấm Việt (huyện Củ Chi) Lê Hà Mộng Ngọc với sản phẩm nấm organic chia sẻ, đã từng ba lần vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) theo Quyết định 655 để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều nhất chỉ ba tháng sau khi nộp hồ sơ là doanh nghiệp được ngân hàng giải ngân. Hình thức này vay rất nhanh chóng, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phước Trung cho biết: Sở vừa thành lập một tổ công tác tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong quá trình tham khảo các chính sách hỗ trợ, có vấn đề gì chưa rõ thì doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hỏi trực tiếp hoặc gửi thông tin tại các bộ phận một cửa. Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể vào diễn đàn trên trang web của Sở để gửi câu hỏi và nhận câu trả lời.