Nhân rộng những tấm lòng thiện nguyện

Âm thầm, lặng lẽ, sẵn sàng chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, khó khăn với mong muốn được góp chút chân tình, mang lại niềm vui, niềm hy vọng, góp phần động viên những người có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đó là những tấm lòng thiện nguyện, đậm chất nghĩa tình ở thành phố mang tên Bác.
Những phần cơm từ thiện của bếp nghĩa tình Bình Trưng Đông đã góp phần giúp người nghèo vơi bớt khó khăn.
Những phần cơm từ thiện của bếp nghĩa tình Bình Trưng Đông đã góp phần giúp người nghèo vơi bớt khó khăn.

Gần mười năm qua, bếp nghĩa tình Bình Trưng Đông (quận 2) vẫn đều đặn đỏ lửa, phục vụ những suất cơm có giá 2.000 đồng đến bà con nghèo trên địa bàn. Bếp trưởng Võ Thị Kim Phụng cho hay, từ năm 2010, mỗi tháng hai lần chị và một số phụ nữ trong tổ góp tiền nấu cháo dinh dưỡng và cơm chay để giúp trẻ em suy dinh dưỡng, người già trong khu phố. Việc tốt lan xa, nhiều người đến xin góp công, góp của. Kể từ đó, bếp ăn được nhiều người dân nghèo trong khu phố tìm đến đăng ký ăn cơm. Nhận thấy đây là việc làm mang tính nhân văn, thiết thực chăm lo cho người nghèo, cho nên từ tháng 3-2014, UBND quận 2 và UBND phường Bình Trưng Đông đã hỗ trợ kinh phí cho bếp ăn hoạt động, mở rộng mặt bằng, trang bị bàn ghế, dụng cụ nấu ăn và giao cho Hội Phụ nữ phường quản lý. Hiện nay, bếp ăn nghĩa tình hoạt động vào trưa thứ ba, năm, bảy hằng tuần, mỗi ngày phục vụ hơn 400 suất ăn.

Cũng là hoạt động thiện nguyện, nhưng lại dưới hình thức khác. Cứ vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, nhóm Hát rong từ thiện Sài Gòn lại rong ruổi qua những con đường quen thuộc ở khu Trung Sơn (quận 8), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) đem lời ca tiếng hát phục vụ khách ăn uống, quyên góp tiền để sử dụng vào việc đem lại nụ cười cho các bệnh nhi, người nghèo… Nhóm hát rong có cả học sinh, sinh viên, giảng viên đại học, nhân viên văn phòng… tất cả đều có chung đam mê làm từ thiện. Hai năm qua, nhóm hát rong đã thăm hỏi, tặng quà cho hơn 1.000 trường hợp bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi và người già không nơi nương tựa, hỗ trợ viện phí cho người nghèo ở thành phố và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Vài tháng nay, khu vực sân chung cư Sơn Kỳ 1 (quận Tân Phú) nhộn nhịp người ra vào. Điểm đến là khu đồ cũ miễn phí “Ai có đến cho, ai cần đến lấy” gồm quần áo, giày dép do một số cư dân nơi này lập ra. Không chỉ đông người nghèo đến lựa quần áo cho con, cháu mình, mà còn liên tục có người chở quần áo đến quyên góp. Anh Ngô Hồng Nguyên (46 tuổi) là một trong những người nghĩ ra ý tưởng tổ chức gian đồ cũ vui vẻ cho biết: “Tất cả xuất phát từ việc chúng tôi thấy nhiều gia đình có nhiều quần áo mặc không vừa mà lại không biết cho ai cho nên tôi nảy ra ý định lập ra một khu đồ cũ miễn phí để tặng lại cho người cần. Dần dần, có nhiều người cùng tham gia chia sẻ đồ cũ. Thế là chúng tôi túc trực nhận đồ gửi tặng, rồi sắp xếp cho ngăn nắp để người nào cần đến lựa lấy”.

Tại góc Bệnh viện Từ Dũ, gần lề đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh (quận 1) có treo tấm bảng: Nhận bơm vá, sửa xe cho người khuyết tật miễn phí, đây là tấm lòng của anh Phạm Văn Lương, chỉ là một việc làm rất nhỏ nhưng đã khiến nhiều người qua đây cảm thấy ấm lòng. Dù tấm bảng chỉ ghi “miễn phí” cho người khuyết tật, nhưng không ít người nghèo, học sinh, sinh viên khó khăn, người lao động cũng được anh hào hiệp giúp đỡ không lấy bất cứ chi phí nào. Anh bảo, mình làm không mong sẽ được ai đó nhớ ơn, đền đáp. Anh làm tất cả bởi tấm lòng đồng cảm, sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ khó khăn như mình.

“Hẻm ông Tiên” 96 Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) đậm ân tình giữa nơi đất chật người đông. Nơi đây có đủ các dịch vụ… miễn phí như: bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật, nước uống miễn phí, tủ thuốc từ thiện, đến cả dịch vụ “trợ táng và tặng áo quan miễn phí cho những người khó khăn…”. Tất cả “dịch vụ” ấy đều là tấm lòng của người dân nơi đây. Ông Đỗ Văn Phúc (gần 60 tuổi), hơn 30 năm chạy xe ôm ở con hẻm này lại là người sáng kiến ra tủ thuốc nhân ái. Ông Phúc bộc bạch: “Con hẻm nằm đối diện chợ Phú Nhuận cho nên rất đông phương tiện giao thông qua lại. Vì thế, có nhiều trường hợp không may bị tai nạn, người thì trầy tay, xước chân, xây xát mặt mũi, nặng hơn thì xỉu ngay tại chỗ… Thế là người dân trong hẻm chung tay thành lập tủ thuốc, tuy đơn sơ, giản dị, nhưng nhờ tủ thuốc này mà nhiều người đi đường được giúp đỡ kịp thời...”.

Những việc làm nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động từ thiện, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn của người dân thành phố. Thời gian tới, rất cần sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ, để những hoạt động này được thường xuyên, liên tục, để những mô hình này ngày càng được nhân rộng.