Nhân rộng những sáng kiến phục vụ người dân tốt hơn

Lấy cảm hứng từ chủ đề năm 2019 của TP Hồ Chí Minh là Năm đột phá cải cách hành chính, thời gian qua, tại nhiều đơn vị, sở, ngành trên địa bàn thành phố, nhiều sáng kiến, ý tưởng hay đã được triển khai, ứng dụng trong các hoạt động, công tác nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân.

Cán bộ, nhân viên Phòng Ðô thị quận Bình Thạnh theo dõi tình hình trật tự đô thị qua hệ thống ca-mê-ra để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh xảy ra.
Cán bộ, nhân viên Phòng Ðô thị quận Bình Thạnh theo dõi tình hình trật tự đô thị qua hệ thống ca-mê-ra để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh xảy ra.

Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố khóa X đã thống nhất lấy chủ đề năm 2019 là Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội. Trong số rất nhiều giải pháp đề ra nhằm thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, Ðảng bộ thành phố nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, sáng tạo bằng những mô hình thiết thực, sáng kiến cụ thể để phát triển thành phố. Thực hiện phong trào đó, nhiều mô hình hay, sáng kiến hiệu quả đã ra đời thông qua công tác thực tiễn tại các đơn vị, sở, ngành. Những sáng kiến, mô hình nổi bật đó đều nhằm nâng cao chất lượng trong công tác phục vụ người dân trên địa bàn thành phố.

UBND quận Bình Thạnh là một trong những địa phương đi đầu có những sáng kiến để nâng cao chất lượng tương tác, xây dựng một đô thị văn minh của thành phố. Xuất phát từ thực tiễn là lực lượng cán bộ không đủ để giám sát các vi phạm về trật tự, đô thị trên địa bàn quận, một phần mềm để mỗi người dân có thể chung tay, giám sát trong việc xây dựng địa phương văn minh hơn đã ra đời. Theo UBND quận Bình Thạnh, qua gần hai năm triển khai (tháng 4-2017), mô hình “Bình Thạnh trực tuyến” đã phát huy được tính hiệu quả của sáng kiến này trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm về trật tự đô thị. Hàng nghìn lượt ý kiến của người dân thông qua ứng dụng này đã được chính quyền giải quyết trong thời gian sớm nhất thay vì phải trình lần lượt theo các quy trình cũ. Ðể tạo thêm tính tương tác giữa chính quyền và người dân, hiện phần mềm này đã bổ sung thêm nhiều chức năng để giải quyết các thủ tục hành chính đơn giản trực tuyến trên mạng.

Tại quận Bình Tân, mô hình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 qua hơn một năm triển khai cũng đã mang lại những kết quả rất tích cực, trong đó, điểm sáng chính là sự hài lòng của người dân trong công tác tiếp nhận hồ sơ, kết quả và thời gian trả kết quả. Nhấn mạnh về mô hình này, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết: Các cơ quan, đơn vị khi giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3 và 4 cho người dân và doanh nghiệp dù ở trong hoàn cảnh nào cũng đều phải thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu. Sự hài lòng của người dân trên địa bàn quận là thước đo hiệu quả của công tác cải cách hành chính mà quận đang quyết liệt thực hiện thời gian qua. Ông Thinh cũng chỉ rõ các tiêu chí mà mô hình hướng đến chính là giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm số lượt đi lại của người dân, doanh nghiệp và giảm hồ sơ giấy tờ phải chuẩn bị. Ðể thuận tiện hơn cho người dân trong việc tra cứu, tìm hiểu thông tin, quận Bình Tân cũng tiến hành thay đổi và nâng cấp giao diện trang thông tin điện tử quận với việc bổ sung Hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân. Chỉ với thao tác nhập số biên nhận, hệ thống sẽ hiện thông tin của hồ sơ theo lĩnh vực người dân cần truy cứu và biết hồ sơ đang được xử lý đến giai đoạn nào.

Một mô hình tuy không mới nhưng nhờ hoạt động uy tín và hiệu quả, cho nên trở thành địa chỉ được nhiều người dân trên địa bàn ủng hộ và khen ngợi. Ðó là mô hình đường dây nóng tại UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Ðức. Thực tế cho thấy, rất nhiều cơ quan, đơn vị lập đường dây nóng nhưng khi người dân gọi thì không ai trực, lâu ngày trở thành đường dây nguội. Theo Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Trần Minh Tú, trước những đòi hỏi bức thiết về thời gian, tính chất của sự việc xảy ra trên địa bàn, nếu các đơn vị, cán bộ vẫn vận hành theo quy trình cũ, tức báo cáo bằng văn bản rồi xin đề xuất thì nhiều sự việc đã quá trễ để xử lý, nhất là các vụ việc về an ninh trật tự, tai nạn, cháy nổ,… Ý tưởng thành lập đường dây nóng tuy không mới nhưng nhờ ứng trực 24 giờ mỗi ngày, cho nên toàn bộ các cuộc gọi đều được lãnh đạo UBND phường trực tiếp chỉ đạo cán bộ xử lý ngay khi tiếp nhận. Qua một thời gian, số điện thoại: 0283.7267.527 do Công an phường quản lý và số điện thoại 0283.7269.887 do UBND phường quản lý đều trở thành số tổng đài thân thuộc của người dân trên địa bàn phường mỗi khi cần sự trợ giúp.

Qua đánh giá thực tiễn, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện nghiên cứu để nhân rộng những mô hình, sáng kiến phù hợp với địa phương mình. Riêng với mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”, UBND thành phố yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc xây dựng ứng dụng quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông, đô thị của thành phố để hướng dẫn các sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh việc nghiên cứu để ứng dụng, các địa phương cũng đề xuất, kiến nghị, đưa ra đặc thù riêng của từng đơn vị để các mô hình được triển khai một cách đồng bộ và phát huy hiệu quả cao hơn.