Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Nhà nông ít đất vẫn giàu

Từ đầu năm 2013, Hội Nông dân quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đã chỉ đạo Hội Nông dân bảy phường trong quận tiếp tục phát động hội viên đăng ký thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Cuối năm, có 572 hộ được xét đạt danh hiệu này, dù nông dân không còn nhiều đất như trước do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng...

Bà Đỗ Thị Lan (khu phố 5, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) trồng rau mầm tại nhà.
Bà Đỗ Thị Lan (khu phố 5, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) trồng rau mầm tại nhà.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Tạo Nguyễn Văn Việt (quận Bình Tân) cho biết: Trồng rau mầm đã trở thành một nghề đặc thù, khởi phát từ địa phương này và nay đã lan rộng trong cả nước. Đầu năm 2013, Hội Nông dân phường đã tạo điều kiện giúp 40 hội viên tham gia lớp kỹ thuật trồng rau sạch trong đô thị và đã có 30 học viên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Sau khi có "chứng chỉ hành nghề", uy tín sản phẩm càng tăng cao. Nghề trồng rau mầm đã giải quyết việc làm phù hợp với hoàn cảnh nhiều nông dân ở địa phương giờ đã lớn tuổi, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp. Quan trọng hơn, nghề này đã giúp nhiều bà con giảm nghèo hiệu quả.

Bà Đỗ Thị Lan, ngụ 1212/11, tỉnh lộ 10, khu phố 5, phường Tân Tạo, nhớ lại: Hội Nông dân phường đứng ra vận động thành lập Tổ hội ngành nghề trồng rau sạch với 18 thành viên và nhà tôi được chọn làm điểm. Hội còn bố trí kỹ thuật viên hướng dẫn người trồng tại gia để có rau xanh dùng hằng ngày, người trồng chuyên canh để buôn bán... rất tỉ mỉ. Tại nhà tôi, Hội còn để sẵn tài liệu, kệ cung ứng nguyên vật liệu, hạt giống... rất quy củ.

Để mở rộng diện tích, người trồng có thể tận dụng sân thượng, đất khuôn viên nhà. Các dụng cụ trồng và nguyên liệu cũng dễ dàng tìm thấy. Sản phẩm làm ra luôn hút hàng, không tốn nhiều chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, khó khăn không phải là ít. Đó là kinh nghiệm bảo quản, nông dân chưa biết cách tiếp thị, kỹ thuật sản xuất chưa hoàn thiện... Bà Lan nhẩm tính, kể từ khi được dạy nghề trồng rau mầm, một số hộ dân đã sản xuất và bán tại các chợ địa phương với giá rau mầm bình quân khoảng 25.000 đồng/kg. Trong đó, chi phí sản xuất chỉ 15.000 đồng nên lợi nhuận đạt được khoảng 10.000 đồng/kg rau mầm. Nếu một nông hộ sản xuất hằng ngày 100 kg rau mầm, thì lãi ròng là một triệu đồng/ngày và 30 triệu đồng/tháng. Ở Tân Tạo, hộ nông dân nào cũng có thể trồng rau mầm.

Anh Huỳnh Văn Nhứt, Chi hội trưởng Nông dân khu phố 6, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân kể: Sau khi tìm hiểu về mô hình nuôi lươn qua lớp tập huấn của Hội Nông dân quận cũng như tìm tòi kỹ thuật nuôi lươn trên mạng, tôi được phường tổ chức đi thực tế tham quan tại huyện Củ Chi. Nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện thực tế nên tôi đã quyết định nuôi thử nghiệm.

Từ số vốn 20 triệu đồng do Hội Nông dân phường giới thiệu, bảo lãnh vay tín chấp (từ nguồn Quỹ hỗ trợ Nông dân của thành phố), anh Nhứt đã xây chuồng khoảng 9 m 2 và mua 40 kg lươn giống về nuôi. Với thức ăn hằng ngày là đầu, lòng cá dạt ở các chợ, lứa lươn đầu tiên của anh Nhứt phát triển tốt. Từ 1 kg lươn giống loại nhỏ (khoảng 30 con), qua thời gian nuôi gần năm tháng, anh Nhứt thu hoạch 100 kg lươn thịt. Anh hồ hởi khoe: "Với giá bán khoảng 110 - 120 nghìn đồng/kg, tôi có lãi hơn 10 triệu đồng/vụ. Tôi nhận thấy nuôi lươn phù hợp với nông dân ít đất và ít lao động, vì chỉ cho lươn ăn duy nhất một lần trong ngày và thay nước cho chúng mỗi ngày một lần".

Nhờ nắm vững kỹ thuật, anh Nhứt mạnh dạn đặt mua thêm 50 kg lươn giống để tiếp tục nhân đàn, đồng thời được phía bán giống ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Đến phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, đâu đâu cũng thấy hoa kiểng, bon-sai trưng bày dày đặc trong các khu vườn xen cài giữa những ngôi nhà phố. Ông Trần Văn Tâm, một nông dân lâu năm ở đây cho biết: Trước đây, vùng này trồng lúa, giờ diện tích đất bị thu hẹp cho nên người dân chuyển sang làm cây kiểng. Theo báo cáo của UBND phường, diện tích sản xuất, kinh doanh thực tế của nông dân địa phương giờ chỉ còn 4,3 ha. Trong đó, có 2,8 ha đất nằm ngoài quy hoạch, có 1,5 ha là đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch. Trong các tháng đầu năm nay, nông dân của phường đã sản xuất và bán 835 cây kiểng các loại, đạt giá trị 5,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, thu lãi tròm trèm một tỷ đồng.

Do ít đất, nông dân phường Bình Hưng Hòa B không trồng cây kiểng từ đầu mà tìm mua cây "thô" từ các tỉnh khác, sau đó mới thực hiện kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng thành những sản phẩm đẹp, có giá trị cao. Đến thăm gia đình ông Đào Mạnh Tương, chúng tôi ghi nhận: Với diện tích 1.000 m 2 , ông Tương trồng đến 300 - 400 cây sanh, si, mai chiếu thủy, mỗi cây có giá vài triệu đồng. Còn nông hộ Nguyễn Văn Khoa, cũng với diện tích 1.000 m 2 đã có khoảng 200 cây tùng La Hán rất đắt tiền, trị giá hàng tỷ đồng. Riêng nông hộ Bùi Thanh Hoan, Nguyễn Văn Thành, trong dịp Tết vừa qua đã bán mai ghép, mai vàng thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Ông Trần Văn Tâm cho biết thêm: Phường đã có Chi hội Hoa kiểng - bon-sai hoạt động dưới sự hướng dẫn của Hội Nông dân, giúp các hội viên tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn và tham quan các mô hình sản xuất bon-sai, cây kiểng nơi khác để nông dân có thêm kiến thức. Năm 2013, Hội Nông dân phường đã bảo lãnh tín chấp cho nhiều lượt hộ vay 75 triệu đồng để đầu tư phát triển cây trồng, thoát nghèo bền vững.