Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, các ngân hàng (NH) đã đồng loạt giảm lãi suất. Ðây là động thái kịp thời, đúng lúc nhằm giúp DN, người dân giảm được chi phí tài chính trong sản xuất, kinh doanh và trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.

Giám đốc cơ sở may Thành Hưng (quận 9) Ðào Duy Quang cho biết, xưởng phải đóng cửa hơn hai tháng nay vì sản phẩm không có đầu ra, bạn hàng ngừng nhận hàng do không buôn bán được. Dù rất khó khăn nhưng ông Quang không cắt giảm lao động, chỉ tạm cho ngừng việc, trả lương 70% để giữ "chân" người lao động. Ông Ðào Duy Quang tâm sự: "Từ lúc nghe có gói vay 250.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ DN gặp khó khăn tôi rất mừng, nhưng vẫn lo không biết DN mình có đủ điều kiện được vay hay không. Bởi trước đó, muốn vay NH, phải đáp ứng các tiêu chí về nhà xưởng, không bị nợ thuế, không bị xếp vào nhóm nợ xấu, có tài sản thế chấp…". Một giám đốc DN du lịch tại quận 3 cho biết, ngày nào bà cũng chờ thông báo từ phía NH thương mại về việc giảm lãi suất, bởi DN của bà gần như không có khách hàng đặt tua kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trong khi những tua đã đặt trước đó cũng báo hủy hàng loạt do ảnh hưởng dịch Covid-19. Bà cũng không để nhân viên nghỉ vì lo sau khi hết dịch, công ty không có người làm, nhất là hướng dẫn viên, lúc đó đi tìm người còn khó hơn nhiều lần…

Thống kê sơ bộ từ các ngành chức năng cho thấy, hiện có khoảng 50% số danh mục hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 gây ra, trong đó hơn 15% bị ảnh hưởng nặng nề nếu dịch kéo dài. Ðể giúp DN vượt "bão", Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành NH chuẩn bị gói tín dụng 250.000 tỷ đồng nhằm giúp DN có thể vay không lãi suất để trả lương nhân viên.

Theo đó, đã có hơn 20 NH hỗ trợ tích cực cho các DN với gần 41.000 khách hàng (tổng dư nợ hơn 300.000 tỷ đồng) để vượt qua thời điểm khó khăn. Ngoài ra, NH Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra các chính sách và giải pháp để hỗ trợ các NH thương mại và các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các NH "mạnh tay" hỗ trợ DN. Việc NH Nhà nước Việt Nam giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động, cho vay ngắn hạn là những chính sách được đón nhận một cách tích cực nhất.

NH thương mại cổ phần (TMCP) Tiên Phong (TPBank) có thêm các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng. Theo đó, TPBank có các gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng DN vừa và nhỏ; gói 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng DN lớn; 3.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 1,5 đến 2,5% so với mức lãi suất hiện hành.

Tương tự, NH TMCP Quốc tế (VIB) công bố quyết định giảm lãi suất cho tất cả khách hàng DN có khoản vay hiện hữu áp dụng từ ngày 1-4. Theo đó, VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5 đến 2% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực. Ước tính sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ được hưởng hỗ trợ. Một số NH thương mại khác cũng giảm mạnh lãi vay hỗ trợ cho khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. NH TMCP Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) giảm mạnh lãi suất cho vay với mọi khách hàng, không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch Covid-19.

Trong khi đó, các NH lớn như NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NH Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hay NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng có những động thái mới trong việc hỗ trợ DN, khách hàng để giảm thiệt hại vì dịch Covid-19. Vietcombank giảm lãi suất từ 2 đến 2,5%/năm với quy mô tín dụng 30.000 tỷ đồng. Ðối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ giảm đến 2,5% so với mặt bằng lãi suất hiện nay. Lãi suất cho vay sau giảm sẽ chỉ từ 4,5 đến 5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động. VietinBank giảm lãi suất cho vay từ 2 đến 2,5%/năm, trước hết đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế…

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các chính sách tiền tệ mà ngành NH đang triển khai nhằm hỗ trợ cho các DN là nỗ lực rất lớn của các NH thương mại. Việc hạ các mức lãi suất là động thái kịp thời, đúng lúc nhằm giúp DN, người dân hạ được chi phí tài chính trong sản xuất, kinh doanh và trong cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, việc hạ lãi suất chưa đủ để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn. Việc giảm lãi suất điều hành chỉ tác động vào thị trường, trong khi đó vấn đề của nền kinh tế không phải chỉ ở nền kinh tế tiền tệ mà còn nằm ở nền kinh tế hàng hóa, mà thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ. Chính sách về tiền tệ hiện nay chỉ mới là biện pháp hỗ trợ, cần sự trợ lực của chính sách tài khóa thông qua các gói hỗ trợ nhanh, mạnh nhằm giúp DN đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 có thanh khoản để trang trải chi phí, trả tiền cho đối tác, trả lương, trả lãi vay…